Chứng khoán Mỹ tăng bùng trở lại sau báo cáo PCE, giá dầu giảm 3 tuần liên tiếp
'Báo cáo PCE ngày hôm nay giúp thị trường cảm thấy yên tâm. Với sự xuống thang của lạm phát, cuộc dịch chuyển của dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu tiếp tục diễn ra'...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/7) và hoàn tất một tuần đi lên nhờ những số liệu khả quan mới về kinh tế Mỹ. Trong khi đó, giá dầu thô giảm khá mạnh và có tuần giảm thứ ba liên tiếp do mối lo về nhu cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 654,27 điểm, tương đương tăng 1,64%, chốt ở mức 40.589,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,11%, đạt 5.459,1 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,03%, đạt 17.357,88 điểm.
Phiên tăng này là sự kết hợp của các yếu tố gồm: tâm lý của nhà đầu tư cho rằng thị trường đã bán quá nhiều (oversold), báo cáo GDP mạnh hơn dự báo công bố hôm thứ Năm, và báo cáo lạm phát ngày thứ Sáu củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất - theo chiến lược gia Sam Stovall của công ty CFRA Research.
“Báo cáo PCE ngày hôm nay giúp thị trường cảm thấy yên tâm. Với sự xuống thang của lạm phát, cuộc dịch chuyển của dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu tiếp tục diễn ra và phạm vi tăng điểm của thị trường được mở rộng hơn”, ông Stovall nói với hãng tin CNBC.
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bằng với mức dự báo tăng của các chuyên gia trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PCE - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - phản ánh lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục giảm về mục tiêu 2% của Fed, dù tốc độ giảm còn chậm do lạm phát còn dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ.
Dữ liệu trên củng cố khả năng Fed hạ lãi suất trong năm nay, thậm chí đã xuất hiện dự báo cho rằng Fed sẽ có 3 đợt hạ lãi suất trước khi năm 2024 kết thúc.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 88% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Ngoài ra, đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 11 và tháng 12 dao động quanh ngưỡng 60%.
Phiên này, nhà đầu tư tiếp tục chuyển vốn sang những nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn và cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thay vì tập trung vào những cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn - nhóm đã giữ vai trò chủ đạo trong xu hướng tăng điểm của thị trường năm nay.
Hai nhóm công nghiệp và nguyên vật liệu thô trong S&P 500 đều kết thúc phiên với mức tăng khoảng 1,7%. Cổ phiếu tập đoàn 3M tăng 23%, dẫn đầu nhóm công nghiệp. Đây là phiên tăng mạnh nhất của mã này kể từ ít nhất năm 1972.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu Big Tech bị bán tháo trong tuần này cũng bắt đầu phục hồi. Microsoft và Amazon tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu. Meta Platforms tăng gần 3%. Nhóm công nghệ thông tin thuộc S&P 500 tăng khoảng 1%.
“Số liệu lạm phát đã yếu đi. Trong lĩnh vực nhà đất và bất động sản, đã xuất hiện một số vết rạn. Fed sẽ phải bắt đầu hạ lãi suất”, Chủ tịch Ken Mahoney của công ty Mahoney Asset Management nhận định.
Phiên tăng ngày thứ Sáu kết thúc một tuần đầy biến động ở Phố Wall. S&P 500 giảm 0,8% cả tuần, trong khi Nasdaq giảm 2,1%. Hai chỉ số này đã có 2 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 4.
Dù vậy, Dow Jones tăng 0,8% trong tuần này nhờ cổ phiếu blue-chip được mua nhiều. Đến nay, chỉ số đã có 4 tuần tăng liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 5.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,24 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, chốt ở mức 81,13 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,12 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở mức 77,16 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 1% và giá dầu WTI giảm 3%.
“Báo cáo GDP tốt hơn dự báo của Mỹ hôm thứ Năm đã hỗ trợ giá dầu. Nhưng thị trường vẫn đương đầu với áp lực giảm do mối lo về sự suy giảm nhu cầu dầu của Trung Quốc”, trưởng nghiên cứu George Khoury của công ty CFI nhận định với hãng tin Reuters.
Số liệu công bố vào tuần trước cho thấy tổng nhập khẩu dầu nhiên liệu của Trung Quốc giảm 11% trong nửa đầu năm hay. Ngoài ra, thống kê gần đây cũng cho thấy nền kinh tế giảm tốc mạnh và đang đói mặt nguy cơ rơi vào một vòng xoáy giảm phát.
“Nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc có thể đang bước vào một thời kỳ giảm, kéo giá dầu giảm theo. Đó là kịch bản tồi tệ nhất đối với một quốc gia vốn là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới”, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau Bob Yawger của ngân hàng Mizuho ở New York nhận định.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm do khả năng sắp có một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza, khi các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khu vực này tiếp tục được đẩy mạnh. Ngừng bắn ở Gaza đồng nghĩa với rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông sẽ được giải tỏa.