Chứng khoán Mỹ tạm thời được 'cứu' bởi kỳ vọng đột phá chính sách từ FED?

Đồn đoán về kịch bản FED có thể hạ lãi suất đến 5 lần trong năm 2025 đã cứu chứng khoán Mỹ khỏi phiên sụt giảm rất mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chứng khoán Mỹ hạ nhẹ. Tuy nhiên, thị trường đã có một phiên giao dịch đầy kịch tính do chịu tác động bởi nhiều thông tin trái chiều được đưa ra trong cùng một phiên.

 Với những diễn biến mới nhất, nhiều nhà đầu tư đang dự báo nhiều hơn về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ, chính vì vậy Fed có thể hạ lãi suất ngay từ đầu tháng 5 - Ảnh: NGỌC DIỆP (ChatGPT)

Với những diễn biến mới nhất, nhiều nhà đầu tư đang dự báo nhiều hơn về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ, chính vì vậy Fed có thể hạ lãi suất ngay từ đầu tháng 5 - Ảnh: NGỌC DIỆP (ChatGPT)

Mở đầu phiên giao dịch, tiếp nối đà giảm của phiên liền trước, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ ngay 1.100 điểm, nhà đầu tư bán ra không ngừng.

Tuy nhiên sau đó trên thị trường lan truyền tin đồn về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc hoãn thời gian tăng thuế với tất cả các nước trừ Trung Quốc, các chỉ số của thị trường đột ngột tăng điểm trở lại, mức cao nhất trong ngày được thiết lập khoảng lúc 10h20 phút sáng.

Sau khi Nhà Trắng Mỹ lên tiếng xác nhận thông tin Tổng thống Mỹ hoãn tăng thuế là tin giả, các chỉ số lại giảm điểm sâu trở lại, tuy nhiên đáy mới của phiên không thấp như đáy cũ.

Trong khoảng thời gian còn lại của phiên giao dịch, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn giảm điểm nhưng nhà đầu tư không bán ra mạnh như trước bởi tin tưởng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ có biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Dựa trên những thông tin mới công bố, có thể thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều nước đối tác thương mại lớn của Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong ngày thứ Hai, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ, còn phía Mỹ đe dọa áp thuế bổ sung 50% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ nếu Trung Quốc không chịu rút đi mức thuế bổ sung 34% với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Chỉ số CBOE, chỉ số đo biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ, hiện đã tăng lên ngưỡng cao nhất tính từ tháng 4-2020.

Giám đốc điều hành tại tập đoàn tài chính Harris Financial Group, ông Jamie Cox, nhận định: “Nhiều nhà đầu tư dường như đang tin nhiều hơn vào khả năng FED sẽ có các biện pháp hỗ trợ. Vì vậy có thể thị trường sẽ tạm thời được cứu trong ngắn hạn”.

Theo khảo sát quan điểm của các thành viên thị trường chứng khoán Mỹ, với những diễn biến mới nhất, nhiều nhà đầu tư đang dự báo nhiều hơn về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ, chính vì vậy FED có thể hạ lãi suất ngay từ đầu tháng 5. Các chỉ số trên thị trường tương lai hiện đang dự báo về khả năng sẽ có đến 5 lần hạ lãi suất, mỗi lần 0,25% trong năm nay.

Chi phí gia tăng khi thuế nhập khẩu tăng lên nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chứng khoán châu Âu sụt giảm mạnh. Chỉ số STOXX 600 đóng cửa ở ngưỡng thấp nhất tính từ tháng 1-2024.

Trong ngày thứ Hai, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – bà Ursula von der Leyen- khẳng định châu Âu sẵn sàng đàm phán với Mỹ, tuy nhiên cũng khẳng định sẵn sàng trả đũa thuế quan nếu cần thiết.

Nhà Trắng xác nhận 70 quốc gia đã chính thức gửi đề nghị đàm phán thương mại với Mỹ sau loạt biện pháp thuế quan mới, tăng lên so với con số 50 của ngày hôm trước khi thời hạn áp thuế ngày 9-4 đang tới gần.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định đây là dấu hiệu tích cực thể hiện vai trò dẫn dắt của Mỹ trong việc thiết lập lại trật tự thương mại toàn cầu công bằng hơn.

Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ, JP Morgan, cảnh báo các biện pháp thuế quan sẽ có thể gây ra hậu quả tệ hại, còn chuyên gia quản lý quỹ Bill Ackman cho rằng những gì đang diễn ra ở hiện tại có thể dẫn đến thời gian kinh tế khó khăn kéo dài.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/chung-khoan-my-tam-thoi-duoc-cuu-boi-ky-vong-dot-pha-chinh-sach-tu-fed-post843084.html
Zalo