Chứng khoán Mỹ mất điểm sau báo cáo lạm phát 'nóng', giá dầu tăng gần 4%

'Ngày hôm nay, thị trường rõ ràng bị chi phối bởi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI)'...

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/10), sau khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy sự dai dẳng của lạm phát. Giá dầu thô tăng gần 3 USD/thùng do mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục ở mức cao.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,21%, còn 5.780,05 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 57,88 điểm, tương đương giảm 0,14%, còn 42.454,12 điểm. Trước phiên giảm này, cả hai chỉ số cùng lập kỷ lục đóng cửa trong phiên ngày thứ Tư.

Chỉ số Nasdaq trượt 0,05%, còn 18.282,05 điểm.

“Ngày hôm nay, thị trường rõ ràng bị chi phối bởi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bản báo cáo không gây ngạc nhiên lớn ở phần lớn các phương diện, nhưng một số dữ liệu có nóng hơn so với mong đợi. Và xét về tổng thể, nhà đầu tư đang bán những cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình vốn có độ nhạy cảm cao hơn với lãi suất”, nhà quản lý danh mục Luke O’Neill của công ty CooksonPierce nhận định với hãng tin CNBC.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 9 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mức tăng này đều cao hơn so với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, tương ứng là 0,1% và 2,3%. Dù vậy, mức lạm phát cả năm vẫn là thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Sau báo cáo CPI nóng hơn kỳ vọng, Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ông Raphael Bostic - nói với tờ báo Wall Street Journal rằng ông chủ trương giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11 thay vì hạ lãi suất như kỳ vọng của thị trường. “Đối với tôi, với lạm phát như thế này, chúng tôi có lẽ nên tạm dừng việc hạ lãi suất vào tháng 11. Tôi chắc chắn để ngỏ khả năng này”, ông Bostic nói.

Dữ liệu lạm phát mới nhất được công bố trong bối cảnh thị trường lo ngại Fed có thể giảm tốc độ hạ lãi suất sau khi cắt giảm lãi suất với bước giảm lớn 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường hiện đang đặt cược khả năng 83,3% Fed hạ lãi suất và khả năng 16,7% Fed không hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Trong đó, toàn bộ khả năng 83,3% dành cho mức giảm 0,25 điểm phần trăm.

Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed công bố vào hôm thứ Tư cũng cho thấy có sự bất đồng trong Fed về mức giảm lãi suất nửa điểm phần trăm. Dù “đại đa số thành viên dự họp” ủng hộ việc hạ lãi suất như vậy, một số thành viên vẫn muốn giảm lãi suất ít hơn.

Ông O’Neill cũng xem báo cáo lạm phát vừa công bố là một lý do nữa để Fed chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,82 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, chốt ở mức 79,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,61 USD/thùng, tương đương tăng 3,6%, chốt ở mức 78,85 USD/thùng.

Giá dầu tăng do nhu cầu xăng ở Mỹ tăng mạnh trước khi bão Milton đổ bộ vào bang Florida, rủi ro đối với nguồn cung dầu Trung Đông, và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể tăng lên ở Mỹ và Trung Quốc.

Tại Mỹ, nước sản xuất và tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, bão Milton đã càn quét Florida vào ngày thứ Năm, khiến hơn 3,4 triệu hộ gia đình và cơ sở kinh doanh mất điện. Trước khi bão đổ bộ, khoảng 1/4 số trạm xăng ở bang này rơi vào tình trạng hết xăng để bán. Một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates dự báo tình trạng gián đoạn nguồn cung xăng dầu ở Florida có thể kéo dài sang tuần tới do ảnh hưởng của bão.

Trong khi đó, căng thẳng ở Trung Đông vẫn chưa xuống thang. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố nếu nước này tấn công Iran, đó sẽ là một cuộc tấn công “chết người, chính xác và bất ngờ”.

Israel là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), với sản lượng dầu trong năm 2023 đạt khoảng 4 triệu thùng/ngày - theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Iran hậu thuẫn một số tổ chức phiến quân chống lại Israel gồm Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và Houthis ở Yemen.

Trong một động thái có thể kích thích nhu cầu dầu ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu nhiều thứ Hai thế giới - nước này vừa công bố một dự luật nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân. Đây là bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm cải thiện niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc.

Ngoài ra, khả năng Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất cũng là cơ sở để giới phân tích tin rằng nhu cầu tiêu thụ dầu ở Mỹ sẽ được cải thiện. Môi trường lãi suất giảm sẽ giúp giảm chi phí đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-mat-diem-sau-bao-cao-lam-phat-nong-gia-dau-tang-gan-4.htm
Zalo