Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới trước phiên điều trần của Chủ tịch Fed

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục lập kỷ lục mới phiên đầu tuần khi nhà đầu tư chờ dữ liệu lạm phát và cuộc điều trần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên 8/7. Ảnh: CNBC

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên 8/7. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số S&P 500 cộng 0,1% lên 5.572,85 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,28% đạt mức 18.403,74 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones sụt 31 điểm (tương đương 0,08%) còn 39.344,79 điểm.

Tuần trước, chỉ số S&P 500 có tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây, nhờ tâm lý lạc quan rằng lạm phát dịu đi và báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động đã có chút hạ nhiệt, thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Theo báo cáo việc làm tháng 6 của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1%, cao nhất gần 2 năm, từ mức 4% của tháng 5.

Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới các phiên điều trần vào ngày thứ Ba và thứ Tư của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện và Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện. Cuộc điều trần sắp tới của Chủ tịch Fed được thị trường kỳ vọng sẽ mang đến những tín hiệu mới về đường đi của lãi suất trong những tháng tới.

Nhà phân tích chiến lược Ross Mayfield của ngân hàng đầu tư Baird nhận định, giới đầu tư muốn được nghe ông Powell thừa nhận rằng “các rủi ro hai chiều trong nền kinh tế đã trở nên cân bằng hơn, nhất là về thị trường lao động”. Tuyên bố như vậy sẽ phát tín hiệu rằng Fed đang tiến gần hơn đến thời điểm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vì không còn lo ngại quá mức về nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Cũng trong tuần này, nhà đầu tư trên sàn Phố Wall sẽ chờ đợi hai báo cáo lạm phát do Bộ Lao động Mỹ công bố, lần lượt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI). Nếu các báo cáo này tiếp tục cho thấy áp lực giá cả hạ nhiệt, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 sẽ tăng cao hơn, điều này hỗ trợ tích cực cho tài sản rủi ro như cổ phiếu.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 75% Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 với mức 0,25%. Các đây 1 tuần, tỷ lệ này chỉ ở mức gần 60%. Các nhà giao dịch cũng tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, với đợt giảm thứ hai có thể diễn ra vào tháng 12.

Chiến lược gia Vincent Heaney của UBS nhận định: “Chúng tôi tin rằng các yếu tố cơ bản vẫn hỗ trợ cho cổ phiếu, được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế vững chắc, kỳ vọng Fed hạ lãi suất cùng với tăng đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài CNBC hôm 8/7, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan, kỳ vọng các đồng nghiệp cũ sẽ đặt nền móng cho đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9. “Nếu quay trở lại vị trí cũ, tôi sẽ sẵn sàng hạ lãi suất vào tháng 9”, ông Kaplan nói.

Tuần này cũng khởi đầu mùa báo cáo tài chính quý 2 ở Phố Wall, bắt đầu bằng loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn gồm Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo vào ngày thứ Sáu.

Ngân hàng UBS dự báo thu nhập của các công ty trong nhóm chỉ số S&P 500 sẽ tăng 7,4% trong quý 2.

Tuy nhiên, chuyên gia Mike Wilson của ngân hàng Morgan Stanley cảnh báo, các nhà giao dịch nên chuẩn bị cho một đợt điều chỉnh giữa lúc môi trường ngày càng bất ổn hơn vì cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ và mùa báo cáo tài chính. "Tôi nghĩ rằng khả năng điều chỉnh 10% là rất cao từ bây giờ cho đến thời điểm bầu cử. Quý 3 sẽ rất biến động” - ông Wilson nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television hôm 8/7.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-lap-dinh-moi-truoc-phien-dieu-tran-cua-chu-tich-fed.html
Zalo