Chứng khoán Kafi kiếm đẫm từ tự doanh và cho vay margin
Trong năm 2024, dư nợ cho vay margin của Chứng khoán Kafi đã tăng gấp 5 lần lên 5.323 tỷ đồng. Danh mục tự doanh của công ty cũng mở rộng gấp đôi lên 8.842,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024 của CTCP Chứng khoán Kafi vừa công bố, doanh thu hoạt động của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 340,3 tỷ đồng.
Trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 64% lên 216,5 tỷ đồng. Song lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL cũng tăng gần 6 lần lên 45,3 tỷ đồng.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng gấp 4 lần lên 94,8 tỷ đồng. Cùng chiều, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của Kafi tăng 4,6 lần lên hơn 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng gấp 6 lần lên hơn 36 tỷ đồng.
Kết quả, Chứng khoán Kafi báo lãi sau thuế 86,3 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ và là con số kỷ lục từ khi hoạt động. Lãnh đạo Chứng khoán Kafi cho biết, sự tăng trưởng đến từ việc mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư tài chính sau các đợt tăng vốn trong 3 năm qua.
Cùng với kết quả kinh doanh khởi sắc ở các quý trước đó, lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động của công ty đạt 955,9 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Lãi trước thuế và sau thuế ở mức 256,7 tỷ đồng và 203,7 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
So với kế hoạch đem về 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Chứng khoán Kafi đã hoàn thành 85% mục tiêu đề ra trước đó.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Chứng khoán Kafi ở mức 16.055 tỷ đồng, tăng tới 9.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản FVTPL tăng gần 2 lần lên 8.842,2 tỷ đồng, chủ yếu là giấy tờ có giá và tiền gửi có kỳ hạn 7.044,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh mục tài sản FVTPL của công ty cũng gồm 1.087 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của tổ chức tín dụng, gần 561 tỷ đồng đồng cổ phiếu niêm yết; hơn 150 tỷ đồng trái phiếu niêm yết.
Thời điểm cuối năm 2024, Kafi đã đầu tư hơn 461 tỷ đồng vào cổ phiếu VIB và tạm lãi hơn 38 tỷ đồng, đầu tư gần 50 tỷ đồng vào mã VCB và lãi 14,5 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết khác 49,9 tỷ đồng và không chênh lệch lãi lỗ nhiều.
Các khoản cho vay và phải thu cũng tăng mạnh từ 1.095,7 tỷ đồng lên 5.359,6 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là cho vay margin với gần 5.323 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng từ 4.894,5 tỷ đồng hồi đầu năm lên 10.783 tỷ đồng ở thời điểm 31/12/2024.
Hiện công ty vay ngắn hạn ngân hàng 6.314,9 tỷ đồng với lãi suất 2,25 – 6,8%; công ty cũng vay các đối tượng khác 4.159 tỷ đồng với lãi suất 2,55 - 8,52%. Mục đích các khoản vay đều để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.
Vốn chủ sở hữu công ty ở mức 5.000 tỷ đồng, tăng mạnh từ con số 1.500 tỷ đồng hồi đầu năm. Biến động đến từ đợt tăng vốn điều lệ vào hồi tháng 4/2024 và tháng 12/2024.