Chứng khoán hôm nay (7/11): VN-Index giảm điểm sau phiên bùng nổ, NVL và nhóm Viettel đi ngược
Sự hưng phấn của thị trường chứng khoán đã mất đi, thay vào đó, dòng tiền cũng 'mất hút' khiến các chỉ số không còn duy trì được đà tăng.
Chỉ số của sàn HoSE giằng co liên tục
Cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ với thắng lợi cho ông Donald Trump đã giúp chứng khoán có phiên tăng mạnh. Thị trường bước vào phiên giao dịch hôm nay (7/11), cũng tiếp nối đà "hưng phấn" từ phiên trước.
VN-Index mở gap (khoảng trống giá) tăng khoảng 5 điểm sau ATO với nhiều nhóm ngành cổ phiếu giao dịch tích cực. Tuy nhiên, sắc xanh thị trường không giữ được lâu. Lực bán cổ phiếu dâng cao ngay sau đó, khiến chỉ số dần suy yếu trở lại. Nhà đầu tư trở nên thận trọng trước khả năng về những quyết định khó dự báo của Tổng thống Donald Trump.
Chỉ số của sàn HoSE giằng co liên tục trong biên độ 1.262-1.266 điểm đến trước giờ nghỉ trưa. Diễn biến trở nên xấu hơn từ đầu phiên chiều, khi lực đỡ yếu dần còn lực cung mạnh lên. Các chỉ số chính lùi về ngưỡng thấp hơn, phá vỡ khung giá đi ngang trong cuối phiên sáng.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 499 triệu cổ phiếu (giảm 10%), tương ứng giá trị giao dịch đạt 12.481 tỷ đồng (giảm 12%). Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 721 tỷ đồng (giảm 27%) và 349 tỷ đồng (giảm 40%).
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,53 điểm (-0,12%) xuống 1.259,75 điểm. Toàn sàn HoSE có 165 mã tăng, 193 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,12%) xuống 227,49 điểm, với 59 mã tăng, 81 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,42%) xuống 92,32 điểm.
NVL, cổ phiếu hàng không và Viettel gây bất ngờ
Bất chấp thị trường biến động mạnh, các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản vẫn có thay đổi tích cực. Trong đó, NVL gây bất ngờ khi bứt phá. Có thời điểm trong phiên giao dịch, mã này tăng hơn 6%. Dù vậy trước áp lực bán mạnh từ thị trường chung, NVL cũng suy yếu dần trong phiên chiều và kết phiên còn tăng 3,85%. Các cổ phiếu bất động sản khác như PDR, HDG, DIG, DHC… cùng giữ trên mốc tham chiếu.
Một nhóm cổ phiếu khác cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường đó là hàng không và dịch vụ hàng không. Trong đó, ACV tăng đến 3,7%, SCS có thêm 3,2%, HVN cũng tăng 3,1%.
Nhóm cổ phiếu “họ” Viettel tiếp tục biến động tích cực bất chấp những rung lắc của thị trường chung. VTP được kéo lên mức giá trần 102.100 đồng, “trắng bảng bên bán”. VGI tăng 7,1%, VTK và CTR cùng vượt xa tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, nhóm VN30 hôm nay ghi nhận sắc đỏ chiếm ưu thế, với 20 mã giảm trong khi chỉ có 5 mã tăng giá. Các mã tăng giá gồm FPT, PLX, VCB, STB và VNM. VCB là mã đóng góp tích cực nhất cho VN-Index.
Ngược lại, một số mã ngân hàng khác và các nhóm khác gây áp lực lên chỉ số chung. BID, CTG, GVR, MSN… đồng loạt giảm giá và tác động tiêu cực tới VN-Index. Cổ phiếu của BIDV giảm 0,94%, MSN mất 1,2%, CTG thấp hơn tham chiếu 0,8%. GVR sau phiên bứt phá hôm qua cùng nhóm cổ phiếu khu công nghiệp thì phiên hôm nay cũng điều chỉnh trở lại 1,2%.
Bên cạnh GVR, các cổ phiếu khu công nghiệp khác cũng chịu áp lực chốt lời một phần sau phiên tăng mạnh hôm qua, như DTD giảm 2,2%, LHG giảm 1,7%, VGC giảm 1%.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng với 391 tỷ đồng trên sàn HoSE. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng bán ròng trên cả HNX và UPCoM với quy mô lần lượt 26 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng. Trong đó nhóm này bán ròng mạnh nhất với mã VHM, quy mô bán ròng 104 tỷ đồng. MSN đứng sau với 86 tỷ đồng. Đáng chú ý, CMG bất ngờ bị bán ròng đến 67 tỷ đồng. Ngược lại, MWG được mua ròng mạnh nhất với 48 tỷ đồng. STB và TCB được mua ròng lần lượt 43 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.