Chứng khoán hôm nay 23/1: Chờ đợi dòng tiền mới và sự hỗ trợ rõ ràng
Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thiếu định hướng, thanh khoản thấp và áp lực từ dư nợ ký quỹ ở mức cao, nhà đầu tư cần duy trì sự cẩn trọng, tập trung vào cổ phiếu có nền tảng tài chính vững chắc và triển vọng dài hạn. Dòng tiền mới và thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh sẽ là yếu tố quan trọng để phá vỡ trạng thái giằng co hiện nay.
Tập trung vào các ngành có tiềm năng tăng trưởng dài hạn
Theo Công ty Chứng khoán Beta, thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức khi dòng tiền nội không đủ mạnh để bù đắp áp lực bán từ khối ngoại và các nhà đầu tư ngắn hạn. Tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dao động thiếu định hướng, khiến chỉ số chung lình xình, không có động lực tăng trưởng rõ rệt. Trong bối cảnh này, thị trường cần những tín hiệu hỗ trợ rõ ràng từ sự gia tăng của dòng tiền mới để phá vỡ trạng thái giằng co hiện tại. Nhà đầu tư cần duy trì sự thận trọng, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính cao và tập trung vào các ngành có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Việc giải ngân cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh mua tại các vùng giá cao và ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cho rằng, thị trường phân hóa mạnh, nhiều mã biến động trái chiều trong giai đoạn đón chờ thông tin kết quả kinh doanh quý 4/2024, cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2025 của các doanh nghiệp. Thị trường giao dịch với thanh khoản ở mức thấp khi nhà đầu tư cũng đang thận trọng chờ những thông tin này để định giá lại, đánh giá triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Cũng như áp lực giảm tỉ trọng đầu cơ ngắn hạn khi bắt đầu vào kỳ nghĩ lễ Tết Nguyên đán trong cuối tuần nay. Những thông tin cập nhật mới cho thấy tỉ lệ dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán cuối quý 4/2024 lại tăng lên mức cao mới, với giá trị khoảng 245.000 tỷ đồng, đây tiếp tục là áp lực lớn trên thị trường hiện nay. Nhà đầu tư có thể hạn chế giao dịch trong giai đoạn này và chờ xu hướng chung của thị trường cải thiện tích cực hơn. Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.
Theo đó, Chuyên gia AseanSC cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục có các phiên phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi diễn biến rung lắc vẫn là xu hướng chủ đạo trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2024 (âm lịch).Do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn.
Cung cầu tiếp tục giằng co, VN-Index trượt dốc cuối phiên
VN-Index có phiên thứ 2 liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự. Áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh hơn trong phiên chiều với nhiều mã, nhóm mã giảm mạnh, thanh khoản tăng kém tích cực. Kết phiên ngày 22/1 VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,29%) về mức 1.242,53 điểm, chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá thấp nhất tháng 9/2024, quanh 1.240 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn 9,53% so với phiên trước, tuy nhiên phần lớn lại xuất phát từ bên cung, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng và xu hướng chốt lời gia tăng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Bảo hiểm, Ô tô và phụ tùng giảm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, ngành Truyền thông tiếp tục dẫn đầu đà tăng.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường với nhiều mã cổ phiếu giảm điểm nhẹ, đặc biệt một số cổ phiếu bị bán mạnh như NVL( -4%), HDB(-2,9%). Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận một số điểm sáng tích cực từ các cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng như LPB (+4,9%), FRT (+4,4%), và CTR (+4,2%). Rủi ro ngắn hạn đang có dấu hiệu gia tăng, VN-Index có thẻ sẽ giảm trở lại vùng 1.220 – 1.225 nếu dòng tiền không ủng hộ thị trường.