Chứng khoán có phiên kỷ lục hơn 2 tỷ USD
Sự giằng co liên tục giữa bên bán chốt lời và lực mua cao đã đẩy thanh khoản toàn thị trường lên mức kỷ lục hơn 52.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên 3/11 diễn ra với nhiều diễn biến bất ngờ cả về điểm số lẫn thanh khoản, cùng với đó là sự phân hóa rõ nét giữa nhóm cổ phiếu ngân hàng với phần lớn các nhóm còn lại của thị trường.
Mở cửa trong sắc xanh nhờ dư âm tăng điểm trước đó, VN-Index không khó khăn khi tăng lên mức cao nhất 1.463 điểm vào khoảng 10h. Tuy nhiên thị trường bất ngờ đảo chiều khi áp lực chốt lời trở nên mạnh mẽ.
Chỉ số đại diện sàn HoSE lùi xuống mức thấp nhất tại ngưỡng hỗ trợ cứng 1.440 điểm rồi lại bật mạnh nhờ lực cầu cổ phiếu vẫn luôn ở mức cao. Sau đó chỉ số liên tục giằng co giữa bên chốt lời và bên mua.
Kết phiên giao dịch đầy biến động, VN-Index giảm hơn 8 điểm (0,56%) về mức 1.444,3 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán khi số mã giảm điểm lên đến 328 mã (trong đó có 64 mã giảm sàn) và chỉ có 144 mã tăng.
Diễn biến tương tự trên sàn HNX khi chỉ số đại diện cũng mất hơn 8 điểm (-1,98%) về khoảng 415,7 điểm. Sàn UPCoM lại ghi nhận mức tăng nhẹ 0,05% lên gần 107 điểm.
Một kỷ lục trên thị trường chứng khoán được xác lập hôm nay chính là mức thanh khoản gần 43.209 tỷ đồng trên sàn HoSE, cao gấp rưỡi so với mức của hôm qua. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn là khoảng 52.148 tỷ đồng (gần 2,3 tỷ USD), tăng 45% so với hôm qua. Mức cao nhất trước đó là 48.500 tỷ đồng vào ngày 20/8.
Thanh khoản cao kỷ lục nhưng chỉ số không giảm mạnh cho thấy lượng nhà đầu tư đang "đứng ngoài" thị trường vẫn luôn sẵn sàng giải ngân trong những nhịp điều chỉnh vừa qua.
Diễn biến đáng chú ý hôm nay còn đến từ nhóm từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, trở thành những trụ cột, làm điểm tựa để níu giữ chỉ số không bị lao dốc quá nhanh.
Trong đó cổ phiếu TCB của Techcombank tăng 4,1% để trở thành mã có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số. Nhóm ngân hàng có đến 9/10 mã tác động tốt nhất lên thị trường chung, mã còn lại là SAB của Sabeco.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản bị bán tháo mạnh nhất từ vốn hóa lớn đến nhỏ và cả penny. Trong đó VHM của Vinhomes giảm 2,5%, NVL của Novaland giảm 2,7%, KDH giảm 6,3%, KBC và DIG giảm sàn là nhóm 5 cổ phiếu bất động sản tác động xấu nhất đến chỉ số.
Ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn, hàng loạt cổ phiếu nhà đất khác bị bán sàn khối lượng lớn như L14, HQC, MBG, LDG, QCG, DRH, NBB, KHG, VRC, NLG, HDG...
Xét theo cơ cấu, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hôm nay vẫn diễn biến tích cực (chủ yếu nhờ cổ phiếu ngân hàng vốn có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các chỉ số). VN30-Index vẫn ghi nhận mức tăng khá 0,61% trong phiên khi có 13/30 mã tăng giá (trong đó có đến 10 mã tăng là cổ phiếu ngân hàng).
Trong khi đó cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là tác nhân lớn làm chỉ số suy giảm. Chỉ số VNMID giảm hơn 31 điểm (1,64%) và VNSML giảm 72,5 điểm (2,58%) trong ngày hôm nay. Hàng loạt cổ phiếu giảm sâu trong các ngành chủ chốt như thủy sản, chứng khoán, dệt may, phân bón, y tế, thép, dầu khí, cảng biển...
Diễn biến này là khá bất ngờ và đi ngược với hầu hết dự báo từ phía công ty chứng khoán. Phần lớn đơn vị phân tích cho rằng chỉ số có khả năng tiếp tục duy trì đà tăng và tiến tới các vùng đỉnh mới cao hơn trong tuần này.
Thị trường nhìn chung đang cho thấy dấu hiệu quá nóng khi điểm số tăng liên tục với khối lượng giao dịch trung bình ở mức rất cao. Khi thị trường tăng nóng thì những phiên điều chỉnh thường rất cần thiết để giúp xu hướng tăng bền vững hơn.