Chung kết VSAR 2024: Nhiều thiết kế robot độc lạ chưa từng có, phần thi khó nhất lộ diện!
Sáng ngày 21/12, Chung kết Giải Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics (VSAR) - giải đấu trong khuôn khổ Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics (Vietnam STEM AI Robotics - VSAR) 2024 đã chính thức diễn ra tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội.
Hơn 200 thí sinh so tài gay cấn
Ở phần thi Đối Kháng, các đội thi cần điều khiển robot thực hiện nhiệm vụ gieo hạt lạc. Các thao tác bao gồm lấy hạt từ kho chứa, di chuyển và gieo hạt vào các ô, sau đó di chuyển về vị trí đỗ quy định. Mỗi đội sẽ có 2 người điều khiển và một robot. Một người điều khiển sẽ vận hành robot trong 60 giây đầu, người điều khiển còn lại sẽ vận hành 60 giây còn lại của trận đấu (mỗi đội sẽ có 10 giây từ giây 55 đến giây 65 để thực hiện việc đổi người).
Ngay từ giai đoạn lấy hạt, các đội đã cần phải di chuyển khéo léo để robot đẩy thanh gạt và hứng hạt từ kho. Đội nào cũng muốn lấy số lượng hạt nhiều nhất có thể, vì quá trình gieo hạt vào ô liên tục xảy ra việc làm rơi hạt, dẫn đến không đủ số lượng hạt đổ vào từng ô.
Một điểm khó mà nhiều thí sinh đều công nhận, đó là quá trình gieo hạt ở ô trung tâm. Trong thời gian 10 giây, nếu không thể gieo hạt thì robot của đội thi sẽ phải lui về khu vực đỗ xe và đợi đội đối kháng đến gieo hạt. Dù ô trung tâm rộng hơn các ô còn lại, nhưng thời gian gấp rút cũng khiến thí sinh căng thẳng.
Bên cạnh các khu vực đấu Đối Kháng, sân thi Tự động lại có phần yên lặng hơn. Khá ít đội thi đăng ký tham gia. Bạn Nguyễn Thu Hà, thí sinh đội VSAR02 đến từ Lạng Sơn chia sẻ: "Mình cảm thấy đây là phần thi khó nhất vì chủ yếu dựa vào lập trình, không được dùng bộ điều khiển để chỉnh robot đi theo đúng hướng. Một khi đã sai hướng là sẽ sai luôn".
Ở phần thi này, robot được lập trình để tự động thực hiện các nhiệm vụ trên sân thi đấu bao gồm: lấy hạt, gieo hạt và về vị trí đỗ đã quy định trong thời gian 120 giây.
Hàng loạt thiết kế robot độc đáo ra đời
Với quy định cho phép các đội thi tự do sáng tạo robot với vật liệu tái chế, bìa, mica, fomex, nhựa... robot của mỗi đội lại có hình dạng khác nhau. Một số thiết kế rất đơn giản và chuyên nghiệp, một số thiết kế lại vận dụng nguyên liệu phù hợp với địa phương mình.
Ông Khổng Minh (đại diện tổ trọng tài) phải dùng từ "trăm hoa đua nở" để hình dung về sự đa dạng giữa các thiết kế robot, khi mỗi đội thi lại thể hiện sự sáng tạo tối đa, vừa trang trí theo nét riêng, vừa đảm bảo các nhu cầu chức năng cơ bản để hoàn thành bài thi của mình.
Bạn Đào Duy Anh, thí sinh đội thi VSAR12 đến từ THPT Hữu Lũng, Lạng Sơn chia sẻ: "Phần trang trí của mình chủ yếu dùng nhựa B52 và gầu hót rác bị bỏ đi. Thiết kế như nào cũng rất quan trọng vì có thể ảnh hưởng đến quá trình thi đấu. Trước khi đến đây, mình đã sửa lại phần bánh và kết cấu để giảm thiểu tình trạng di chuyển sai làn".
Một phần thiết kế khác cũng dùng rất nhiều ống nhựa được lấy ý tưởng từ mỗi lần giúp mẹ tưới rau của bạn Hoàng Trung Nghĩa, thí sinh đội VSAR11 trường THCS Hợp Giang, Cao Bằng. "Sau này mình muốn biến robot này to và hoành tráng hơn để giúp đỡ mọi người trong các hoạt động như gieo hạt tưới cây... vì ở Cao Bằng người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Trên thân robot còn dán logo riêng của nhóm, Rồng Xanh 11. Rồng là năm tuổi nhóm mình, còn 11 là mã số đội thi. Đây cũng là một cách để thể hiện nét riêng của nhóm" - Nghĩa chia sẻ.
Sau buổi sáng thi đấu, các đội được vào vòng trong của bảng thi THPT đã lộ diện, bao gồm: Đội VSAR30 - THPT Ngô Quyền, đội VSAR34 - Ngôi sao Đại học Quốc gia Hà Nội, VSAR27 - Ngựa Mán, VSAR38 - Robotics Explore, VSAR28 - STEM Robotics ĐTĐ HN THPT, VSAR39 - THPT Hữu Lũng, VSAR37 - LAOCAINo1, VSAR40 - PKK Robotics.