Chung kết Cuộc thi 'SÁNG TẠO XANH – SỐNG TRONG LÀNH'
Ngày 5/11/2024, tại Hà Nội, Cuộc thi 'SÁNG TẠO XANH – SỐNG TRONG LÀNH': Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật' bước vào vòng chung kết với 10 đội thi xuất sắc được lựa chọn từ vòng sơ khảo.
Cuộc thi do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức nhằm khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng sáng tạo trong việc bảo vệ môi trường dành cho học sinh các trường THPT và sinh viên các trường Đại học trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Chung kết, ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết Cuộc thi là một trong những hoạt động của Dự án đánh giá hiện trạng và nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của khí đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, thực hiện thông qua Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) với sự tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương quốc Anh (DEFRA).
Dự án được thực hiện bởi sự tham gia của hàng trăm các chuyên gia, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu trên cả nước.
Theo ông Phạm Văn Sơn, bảo vệ môi trường không chỉ được thực hiện bởi các chuyên gia, nhà khoa học mà phải là hoạt động chung của cả cộng đồng, bắt nguồn từ sự nhận thức hiểu biết, từ định hướng này, Cuộc thi được phát động dành cho học sinh các trường THPT và sinh viên các trường Đại học với mục tiêu gia tăng nhận thức hiểu biết về vấn đề này.
“Mặc dù đối tượng tham gia chính thức là các em học sinh các trường THPT và sinh viên các trường Đại học, nhưng sự tham gia của các em kéo theo nhiều người tham gia gián tiếp để nhân rộng hơn nữa, tất cả để đạt mục tiêu chung là nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường. Mục tiêu cao hơn, khi thí sinh tìm hiểu với thông tin các em có được, các em sẽ phải tổng hợp, chọn lọc để dự thi đảm bảo chất lượng tốt nhất.” ông Phạm Văn Sơn chia sẻ về mục tiêu cuộc thi.
Trưởng Ban tổ chức Phạm Văn Sơn cổ vũ, khích lệ các thí sinh đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, ý tưởng của các em cũng là gợi ý cho các chuyên gia, các nhà quản lý để biến các ý tưởng đó thành hiện thực.
Theo ông Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Dự án, trong quá trình thực hiện, Dự án có rất nhiều nội dung được thực hiện như: đánh giá hiện trạng, tìm những vấn đề liên quan đến dữ liệu, đề xuất các giải pháp, tăng cường nâng cao nhận thức, lan tỏa kết quả…
Một trong những nội dung quan trọng đó là nâng cao nhận thức đối với các nhóm đối tượng bao gồm: các nhà quản lý, người nông dân, học sinh sinh viên. Ông Phùng Chí Sỹ cũng cho biết thời gian qua, Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn nhằm nâng cao nhận thức tại các địa phương, trường Đại học trên khắp cả nước, các viện nghiên cứu, hội địa phương tham gia thực hiện Dự án này…
Trong khuôn khổ cuộc thi, các đội trình bày ý tưởng của mình và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo để mang đến những giải pháp sáng tạo và thiết thực về vấn đề môi trường.
Bước vào phần công bố giải thưởng, ban giám khảo trao giải nhất cho đề tài dự thi “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm” đến từ nhóm sinh viên Đại học Trà Vinh; giải nhì cho đề tài “Giấy rơm dấu ấn tự nhiên cho tương lai” đến từ nhóm sinh viên Đại học Khoa học Huế.
Giải ba (3 giải): sinh viên Đào Thị Thu Hương với đề tài “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc - Giải pháp nông nghiệp tương lai”; nhóm sinh viên Đại học Hòa Bình với đề tài “Làm lương khô từ rơm”; nhóm học sinh THPT Xuân Giang, Sóc Sơn với đề tài “Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá xoan ta để kiểm soát sâu tơ hại bắp cải và rệp xám hại cải xanh”.
Giải Lan tỏa mạng xã hội (1 giải): nhóm học sinh sinh viên Đại học Sư phạm Huế, THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp và THPT Quang Trung - Quảng Bình với đề tài “Giải pháp giải quyết lượng rơm, rạ thừa giúp tăng năng suất muối, cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế truyền thống bền vững ở địa phương”
Bên cạnh đó, ban giám khảo cũng quyết định trao 5 giải khuyến khích cho các đội thi còn lại vào vòng Chung kết.
Bế mạc sự kiện, ban tổ chức bày tỏ lời cảm ơn đến các thí sinh tham gia cuộc thi và các đơn vị đồng hành, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự.
Trước đó, cuộc thi được phát động gồm 2 vòng Sơ khảo và Chung kết, diễn ra từ ngày 01/09/2024 đến ngày 05/11/2024. Người dự thi đề xuất và thực hiện các sáng kiến hoặc giải pháp khoa học có ý nghĩa lý thuyết hoặc ứng dụng thực tiễn, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của xã hội về tác hại của việc đốt rơm rạ và phương pháp khoa học xử lý rơm rạ.
Bài thi có thể trình bày 1 trong 3 hình thức: Bài viết (không quá 2000 từ, sử dụng font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14); Bài trình bày (Bài thi sử dụng không quá 15 trang (slides), bố cục rõ ràng và ý tưởng dễ tiếp cận, dễ ứng dụng); Đoạn phim ngắn (Thời gian giới hạn không quá 05 phút, bắt buộc đặt tiêu đề cho tác phẩm; Có thể xây dựng các tác phẩm theo hướng tài liệu, phóng sự, phim ngắn, motion graphic…)