Chứng chỉ ngoại ngữ: Chạy đua đi học nhưng không rõ mục đích
Để lấy chứng chỉ ngoại ngữ thì ngược học cần xác định rõ nhu cầu, mục đích, tránh chạy theo phong trào gây tác dụng ngược.
Hiện nay, việc nhiều trường đại học top đầu ở Việt Nam áp dụng xét tuyển bằng chứng chỉ IIELTS khiến nhiều
học sinh
chạy đua học và thi nhằm có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ này. Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo, bài thi IELTS không chỉ là bài thi ngôn ngữ đơn giản, cần thời gian và kiến thức để có kết quả tốt, các em cần cân nhắc lựa chọn tránh việc chỉ mong muốn học cấp tốc trong thời gian ngắn sẽ không đem lại hiệu quả.
Là một trong những người hiếm hoi nhiều lần đạt 9.0 IELTS, trao đổi với
Người Đưa Tin
, ông Đặng Trần Tùng – Founder The IELTS Workshop đánh giá lượng người luyện thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng tăng nhưng ít phụ huynh và học sinh trả lời được câu hỏi tại sao phải học?
Theo ông Tùng, nhu cầu đi thi là chính đáng khi bất kỳ một môn học nào đều phải cần đo đếm được tiến trình học tập, cần có thước đo chính xác thông qua các cuộc thi thi uy tín.
Ví dụ đối với bài thi IELTS được sử dụng phổ biến là bởi thì bài thi đòi hỏi thí sinh những kỹ năng khác ở bên ngoài ngôn ngữ như tư duy lập luận logic, khả năng nghiên cứu.
“Chính vì những yêu cầu trên khiến cho việc luyện thi IELTS phù hợp cho các em cuối cấp 2, đầu cấp 3 và phải có mục tiêu học tập rõ ràng, chính đáng khi quyết định học, vì thời gian là có hạn”, ông Đặng Trần Tùng bày tỏ.
Cũng theo ông Tùng, nếu như phụ huynh chỉ muốn con cải thiện trình độ tiếng Anh thì có rất nhiều lựa chọn, phương pháp học tập khác nhau, nhưng vấn đề hiện nay là có nhiều lựa chọn và khi không biết nên làm gì cha mẹ sẽ có xu hướng chọn theo đám đông vì nghĩ đó là an toàn, chứ không căn cứ vào mục đích, nhu cầu và khả năng của học sinh, gia đình.
Ở đây, ông Đặng Trần Tùng nhìn nhận, nhiều học sinh rất muốn cải thiện và tập trung học kỹ năng nói tiếng Anh. Trong khi kỹ năng này nếu ở trong môi trường Việt Nam sẽ không được sử dụng nhiều bởi các em sẽ không có điều kiện giao tiếp, không đi làm ở môi trường nước ngoài thì việc đầu tư cho kỹ năng này là rất lãng phí.
Với nhiều năm tham gia luyện các kỳ thi tiếng Anh, trao đổi với
Người Đưa Tin
, cô Nguyễn Minh Oanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Hà Vũ English AZ chia sẻ, thí sinh nên hiểu rõ bản chất việc học tiếng Anh không phải thành tích mà là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc cũng như học tập sau này.
“Các bài thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thường mang tính học thuật cao nhưng vô cùng tốt khi ứng dụng môi trường làm việc chuyên nghiệp như quốc tế. Nếu muốn thành thạo tiếng Anh cơ bản thì không nhất thiết phải tham gia các kỳ thi của các tổ chức”, cô Oanh nói và cho rằng, các em nên có sự đầu tư và định hướng ngay từ sớm vào khoảng đầu cấp 3 để tránh áp lực và có đủ thời gian ôn thi phù hợp.
Còn theo ông Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán tại Hà Nội: “Ngoài điểm xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ các thí sinh vẫn phải kết hợp thêm các điều kiện khác nữa như điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực,... Như vậy, học sinh cần nắm được các tiêu chí xét vào đại học để đầu tư và lựa chọn hợp lý, tránh tình trạng được cái này lại hỏng cái kia”.
Đặc biệt với những học sinh khả năng ngoại ngữ không tốt, nếu đầu tư ngoại ngữ sẽ bị lệch và không có hiệu quả. Cần phải hiểu rõ Toán, Văn là môn học chủ đạo, học nghiêm túc các môn còn lại, đầu tư cho ngoại ngữ nếu có khả năng.
Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Khắc Ngọc – Giáo viên luyện thi Hóa học tại Hà Nội cho rằng việc đổ xô đi học và thi chứng chỉ ngoại ngữ không hẳn có lợi. Khiến lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc cộng gộp lại là rất khổng lồ. Các chứng chỉ nên là 1 trong các tiêu chí để xét tuyển với tỉ lệ hạn chế và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp, hơn là mở rộng một cách tràn lan.“Ngoại ngữ khác với các môn học khác, cần tính ứng dụng cao, sử dụng ngay và năng khiếu nếu không có nhu cầu thì có ép cũng không giải quyết được vấn đề. Thực tế số người sử dụng tiếng Anh thường xuyên ở trình độ cao rất ít vì vậy việc cả xã hội cùng theo học và không dùng tới sẽ gây ra sự lãng phí”, thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết.Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính đến bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin, trí tuệ nhận tạo phát triển mạnh mẽ sẽ hỗ trợ rất nhiều, ngoại ngữ sẽ không còn bị cản trở trong giao tiếp, đọc hiểu thông thường nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ.