Chứng chỉ bổ trợ: 'Chìa khóa vàng' mở lối thành công cho người trẻ
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khốc liệt, nhiều bạn trẻ không ngần ngại đầu tư vào các khóa học ngắn hạn cấp chứng chỉ nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Những chứng chỉ này không chỉ là công cụ nâng cấp bản thân mà còn trở thành 'bệ phóng' để vươn tới những cơ hội việc làm tốt hơn.
Làn sóng học chứng chỉ bổ trợ
Anh Nguyễn Ngọc Tuyên (26 tuổi, Hà Nội), hiện đang là Thạc sĩ và là lập trình viên tại một công ty công nghệ đa quốc gia, chia sẻ rằng việc sở hữu các chứng chỉ bổ trợ đã thay đổi hoàn toàn con đường sự nghiệp của anh. Tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin nhưng chưa tự tin vào kỹ năng của mình, anh Tuyên quyết định tham gia các khóa học Google Data Analytics và SQL Masterclass để bù đắp khoảng trống kiến thức thực tiễn.
“Ban đầu, mình cảm thấy hơi lo lắng vì chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế. Nhưng nhờ những khóa học này, mình đã hiểu cách sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược, từ đó tự tin hơn khi ứng tuyển. Nhà tuyển dụng ấn tượng vì mình biết cách ứng dụng SQL và Python để xử lý dữ liệu, điều mà trước đây mình không bao giờ nghĩ mình làm được,” Tuyên kể.
Sau khi có được công việc yêu thích, Tuyên tiếp tục đầu tư vào các chứng chỉ cao cấp hơn như Data Science của IBM và Project Management Professional (PMP) từ PMI. Những khóa học này không chỉ trang bị cho anh chàng kiến thức chuyên môn mà còn giúp Tuyên phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như quản lý dự án, làm việc nhóm và tư duy chiến lược.
“Sau khi học về quản lý dự án, mình mạnh dạn đề xuất với sếp cách tối ưu hóa quy trình phân tích dữ liệu để giảm thiểu thời gian. Ban đầu, sếp còn hoài nghi, nhưng khi áp dụng thử, kết quả vượt xa mong đợi: thời gian xử lý giảm 30%, chất lượng báo cáo cũng tốt hơn.”
Sự thay đổi đó đã giúp Tuyên nhận được lời mời tham gia các dự án lớn của công ty. Sau hơn bốn năm nỗ lực không ngừng, từ một thực tập sinh, anh chính thức được bổ nhiệm làm Quản lý Dự án khi mới 26 tuổi.
Khác với Tuyên, Lê Ngọc Mai (25 tuổi, Hà Nội) lại tìm đến chứng chỉ để chuyển đổi nghề nghiệp hiện tại. Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Mai từng làm giáo viên tại một trung tâm Anh ngữ trước khi nhận ra mình không thực sự yêu thích công việc này.
“Sau một năm đi làm, mình nhận ra bản thân muốn thử sức trong lĩnh vực thiết kế. Nhưng vì chưa có kiến thức và kỹ năng gì về ngành này, mình quyết định bắt đầu bằng các khóa học ngắn hạn,” Mai nhớ lại.
Cô nàng Gen Z tìm đến các khóa học trên Coursera và Udemy, bắt đầu từ những chứng chỉ cơ bản như Adobe Photoshop, Illustrator và sau đó là UX/UI Design của Google. Mỗi tối sau giờ dạy trên lớp, Mai dành từ 2-3 tiếng để học qua các bài giảng trực tuyến, thực hành bài tập, tham gia vào các dự án nhóm trên mạng để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Chỉ sau 8 tháng, Mai đã có một portfolio cơ bản để ứng tuyển vào các công ty thiết kế. Hiện tại, cô đang làm nhân viên thiết kế giao diện người dùng (UI Designer) cho một startup công nghệ.
Mai chia sẻ: “Nhờ chứng chỉ, mình không chỉ nắm bắt được kỹ năng cần thiết mà còn có cơ hội thực hành trên các dự án thực tế. Đó là bước đệm quan trọng giúp mình tự tin chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới.”
Cần biến kiến thức từ chứng chỉ thành giá trị thực tế
Theo khảo sát do LinkedIn thực hiện vào năm 2023, 76% người tham gia nhận định rằng việc sở hữu các chứng chỉ bổ trợ đóng vai trò quan trọng trong hành trình thăng tiến sự nghiệp và đạt được mức thu nhập cao hơn. Một khảo sát khác của VietnamWorks năm 2023 cho thấy, có đến 70% nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên sở hữu chứng chỉ bổ trợ. Cùng lúc đó, 60% ứng viên thừa nhận rằng họ đã tham gia ít nhất một khóa học chứng chỉ trong vòng hai năm qua.
Anh Nguyễn Văn Đại, người đứng sau kênh TikTok Eric Thỏ với hơn 300 nghìn lượt theo dõi, đồng thời là Giám đốc tại Aspire Business School – tổ chức giáo dục chuyên cung cấp các khóa học về kinh doanh và marketing, đã chia sẻ quan điểm về giá trị của các chứng chỉ trong một video đăng tải trên Youtube.
Theo anh, những chứng chỉ từ Google hay Microsoft mang lại lợi thế lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, khi xây dựng hồ sơ cá nhân:
"Khóa học miễn phí từ Google giúp người học tiết kiệm chi phí mà vẫn có kiến thức chất lượng. Kiến thức từ khóa học này giúp tăng giá trị CV và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng trong lĩnh vực marketing," anh nhận định.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Mai Lan, Trưởng phòng Nhân sự tại Công ty Cổ phần One Mount Group, các chứng chỉ bổ trợ không chỉ là xu hướng mà còn là một trong những công cụ để ứng viên tạo dấu ấn trong mắt nhà tuyển dụng.
Chị cho biết: “Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm nhân sự có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần những ứng viên sở hữu kỹ năng thực tế. Chứng chỉ bổ trợ, đặc biệt từ các tổ chức quốc tế hoặc các nền tảng giáo dục uy tín, là cách hiệu quả để chứng minh ứng viên đáp ứng được cả hai tiêu chí này.”
Chuyên gia nhấn mạnh rằng, các chứng chỉ hiện nay không chỉ bó hẹp trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội để người trẻ tiếp cận với những xu hướng, công nghệ và phương pháp làm việc tiên tiến trên thế giới.
Chị chia sẻ thêm: “Tuy nhiên, chứng chỉ chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Nhiều doanh nghiệp thường đánh giá cao những ứng viên không chỉ sở hữu chứng chỉ mà còn biết áp dụng linh hoạt kiến thức được học vào thực tế. Một bảng thành tích đẹp nhưng không có khả năng thực hành sẽ không gây ấn tượng bằng một ứng viên biết vận dụng hiệu quả những gì họ học được vào công việc.”
Ngoài ra, Thạc sĩ Mai Lan cũng chỉ ra rằng chứng chỉ bổ trợ còn là một cách để người trẻ thể hiện tinh thần cầu tiến và thái độ chủ động trong sự nghiệp. Theo chị, điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường làm việc hiện đại, nơi các doanh nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. “Một ứng viên sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức để bổ sung kiến thức sẽ được đánh giá là người có khả năng thích nghi cao và sẵn sàng đối mặt với thử thách mới,” chị nhận định.
Cuối cùng, chị Mai Lan khuyên người trẻ không nên chạy theo số lượng chứng chỉ mà cần tập trung vào chất lượng và tính ứng dụng của chúng. Đặc biệt, các bạn trẻ cần chọn những chứng chỉ phù hợp với ngành nghề hoặc vị trí mà mình theo đuổi để đạt hiệu quả cao nhất.
“Đầu tư vào chứng chỉ bổ trợ là một cách thể hiện bạn không ngừng phát triển. Nhưng hơn hết, bạn phải chứng minh rằng mình có khả năng biến kiến thức đó thành giá trị thực tế,” chị kết luận.