Chùm tia đỏ lập lòe như 'yêu tinh' trên bầu trời ở Nhật Bản, cực kỳ hiếm thấy

Có người đã ghi lại được hình ảnh những chùm tia màu đỏ gần như tia lửa điện lập lòe rất nhanh trên bầu trời ở Nhật Bản. Nhiều người gọi đây là 'yêu tinh' hoặc 'ma trơi' và cảm thấy những tia đỏ quạch này trông rất đáng sợ. Thực ra đây là hình ảnh rất hiếm về một hiện tượng tự nhiên, vậy nó được giải thích thế nào?

Trên bầu trời có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ, đôi khi trông rất huyền bí khiến những người nhìn thấy phải e sợ.

Mới đây, một người đã ghi lại được hình ảnh những chùm tia đỏ lập lòe trên bầu trời đêm. Chúng xuất hiện và biến mất rất nhanh, nhấp nháy như một tín hiệu.

Đây là video:

Nguồn: Dfuji.

Hiện tượng này xảy ra lúc gần 10h đêm vài ngày trước ở thành phố Hiratsuka (Nhật Bản). Có netizen nói rằng nhìn những “tia điện” này đẹp mắt vì chúng nổi bật trên bầu trời sẫm màu nhưng nhiều người lại cảm thấy đáng sợ và bình luận rằng trông chúng như “mật mã ma quái” gì đó.

Nhưng theo trang EarthSky, những tia đỏ rực trên bầu trời không phải mật mã mà được gọi bằng nhiều tên, như “sét đỏ”, “sét dị hình”, hay thậm chí tên tiếng Anh của nó có thể được dịch ra là “yêu tinh”.

Hiện tượng “yêu tinh trên trời” này rất xa lạ với con người, trừ các nhà khí tượng học hoặc những người hay nghiên cứu tự nhiên. Không phải là vì chúng cực kỳ hiếm, mà vì chúng xảy ra rất nhanh, có thể không đến 0,1 giây, chớp mắt một cái là biến mất, nên không mấy ai nhìn thấy và càng khó ghi lại hình ảnh.

Hình ảnh sét đỏ được chụp ở Chile vào năm 2020 khi trời đang dông bão. Ảnh: Yuri Beletsky.

Hình ảnh sét đỏ được chụp ở Chile vào năm 2020 khi trời đang dông bão. Ảnh: Yuri Beletsky.

Vậy sét đỏ - hay “yêu tinh sét” - thực ra là gì?

Đó là hiện tượng phóng điện ở rất cao trên bầu khí quyển của Trái Đất. Sét đỏ thường đi liền với những cơn dông bão, nhưng lại không phát ra từ chính những đám mây trút mưa xuống. Dông bão xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển (từ bề mặt Trái Đất đến khoảng 6 - 19 km); còn “yêu tinh sét” - hay “yêu tinh đỏ” - xảy ra ở tầng trung lưu, cao đến 80 km trên bầu trời. Tuy nhiên, sét đỏ xảy ra theo cơ chế nào, vì nguyên nhân gì thì chưa rõ ràng, theo trang News on Japan.

Thiên thạch bay ngang bầu trời đúng khoảnh khắc có sét đỏ - hình ảnh được chụp ở Tây Texas (Mỹ) vào tháng 8/2021 và từng được giải thưởng. Ảnh: Stephen Hummel.

Thiên thạch bay ngang bầu trời đúng khoảnh khắc có sét đỏ - hình ảnh được chụp ở Tây Texas (Mỹ) vào tháng 8/2021 và từng được giải thưởng. Ảnh: Stephen Hummel.

Ngoài việc đi cùng các cơn dông bão, sét đỏ còn được nhiều người cho là báo hiệu sắp động đất, tuy nhiên các nhà khoa học không xác nhận điều này.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/chum-tia-do-lap-loe-nhu-yeu-tinh-tren-bau-troi-o-nhat-ban-cuc-ky-hiem-thay-post1703904.tpo
Zalo