Chui gầm sửa ô tô, cần bảo đảm nguyên tắc an toàn gì?

Mới đây, một phụ xe khách giường nằm đang chui xuống gầm xe kiểm tra hệ thống phanh thì bất ngờ bị xe đè lên người gây tử vong. Nhiều người đặt ra câu hỏi, khi sửa gầm xe cần đảm bảo nguyên tắc gì?

Thông tin ban đầu, khoảng 17h25 ngày 26/11, xe khách giường nằm BKS 36G-001.xx do anh Trịnh Đình D (SN 1986, trú tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã dừng xe, vào một quán ăn ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế để ăn cơm.

Tại đây, sau khi tất cả hành khách xuống xe đi vào quán, anh N.C.K (SN 1982, trú tại tỉnh Thanh Hóa), là phụ xe khách trên chui xuống gầm xe để kiểm tra hệ thống phanh thì bất ngờ xảy ra sự cố, anh K bị xe đè lên người, tử vong.

Thực tế có những nguyên tắc bất di bất dịch mà người làm trong ngành sửa chữa ô tô cần nắm vững và tuân thủ để đảm bảo an toàn khi làm việc tại khu vực gầm xe. Để tránh gặp phải những sự cố ngoài ý muốn khi sửa chữa khu vực dưới gầm xe, người thợ kỹ thuật cần nằm lòng một số quy tắc sau đây:

Đặt biển cảnh báo, trang bị đồ bảo hộ phù hợp

Trước khi bắt đầu sửa chữa bảo dưỡng khu vực gầm ô tô, người thợ cần đặt các biển cảnh báo xung quanh xe và khu vực ghế tài xế. Điều này nhằm hạn chế các sự cố ngoài ý muốn xảy ra.

Do khi làm việc dưới gầm xe người thợ dễ bị khuất tầm nhìn hoặc người khác không nhìn thấy có người đang làm việc. Việc đặt biển cảnh báo sẽ nhắc nhở những người xung quanh, giúp đảm bảo an toàn cho người thợ kỹ thuật.

Người thợ kỹ thuật cần được trang bị các đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn khi sửa chữa dưới gầm ô tô.

Người thợ kỹ thuật cần được trang bị các đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn khi sửa chữa dưới gầm ô tô.

Người thợ kỹ thuật cũng cần được trang bị các đồ bảo hộ như kính mắt, giày, quần áo và găng tay bảo hộ. Những vật dụng này sẽ đảm bảo người thợ tránh tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn và các chất độc hại.

Ngoài ra, trước khi sửa chữa nên rút chìa khóa xe khỏi xe và để chìa khóa vào khu vực an toàn, tránh trường hợp người khác nổ máy khi đang sửa chữa dẫn tới hư hỏng hoặc mất an toàn cho người thợ kỹ thuật.

Lựa chọn các dụng cụ hỗ trợ phù hợp

Khi bắt đầu sửa chữa bảo dưỡng gầm ô tô, cần lựa chọn những dụng cụ hỗ trợ phù hợp nhằm mục đích nâng đỡ thân xe và các hệ thống có trọng lượng nặng, tạo khoảng không an toàn, tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Đối với trường hợp sửa chữa trong các nhà xưởng, cần lựa chọn các cầu nâng phù hợp với trọng lượng và kích thước của xe. Bởi nếu chọn không phù hợp dễ dẫn tới sập cầu, rơi xe gây mất an toàn.

Nên sử dụng các con đội chuyên dụng để kê gầm xe, tránh sự cố sập gầm do hư hỏng các hệ thống treo hoặc nổ lốp.

Nên sử dụng các con đội chuyên dụng để kê gầm xe, tránh sự cố sập gầm do hư hỏng các hệ thống treo hoặc nổ lốp.

Trong trường hợp sửa chữa tại những khu vực ngoài trời, ven đường, cần chú ý lựa chọn các vị trí bằng phẳng, có phần nền chắc chắn đảm bảo xe không bị trôi, sụt bánh khi được kích lên.

Trước khi phải chui xuống gầm sửa chữa, cần lựa chọn những dụng cụ kê kích chắc chắn đảm bảo an toàn, tránh trường hợp ô tô bị sập xuống do hư hỏng hệ thống treo hay nổ lốp. Để đảm bảo an toàn, nên sử dụng các con đội kê gầm chuyên dụng.

Ngoài ra, để tránh trường hợp xe bị trôi bánh người sửa xe cần sử dụng con chèn bánh xe hoặc các vật cản như gạch, đá, gỗ có kích thước đủ lớn. Nên chèn ít nhất hai bánh xe và chèn cả hai chiều của bánh để hạn chế xe bị trôi khi đang làm việc.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/chui-gam-sua-o-to-can-bao-dam-nguyen-tac-an-toan-gi-192241128163041001.htm
Zalo