Vì sao chức vụ mới của Elon Musk trong chính phủ Mỹ gây chú ý
Là 'viên chức chính phủ đặc biệt', tỷ phú Elon Musk, người được giao cắt giảm chi tiêu chính phủ Mỹ, sẽ không phải tuân thủ một số yêu cầu minh bạch thông tin.
Việc ông Musk công tác cho chính phủ mà không rời ghế trong các tập đoàn lớn như Tesla và SpaceX đã dấy lên nhiều tranh cãi. Một số ý kiến lo ngại việc này có thể tạo ra xung đột lợi ích, đặc biệt khi ông Musk có thể tác động trực tiếp đến các chính sách công.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt khẳng định ông Musk đã “tuân thủ tất cả quy định liên quan trong luật liên bang”.
![Tỷ phú Elon Musk được New York Times nhận xét là đang "tiến hành cuộc chiến với bộ máy quan chức liên bang Mỹ mà gần như không gặp trở ngại nào". Ảnh: New York Times.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_119_51400419/3a05ffd5c09b29c5708a.jpg)
Tỷ phú Elon Musk được New York Times nhận xét là đang "tiến hành cuộc chiến với bộ máy quan chức liên bang Mỹ mà gần như không gặp trở ngại nào". Ảnh: New York Times.
Viên chức chính phủ đặc biệt là gì?
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, viên chức chính phủ đặc biệt (SGE) là “cá nhân đang hoặc dự kiến làm việc cho chính phủ không quá 130 ngày trong một năm”, có thể có nhận lương hoặc không. Hiện chưa rõ liệu ông Musk sẽ đảm nhiệm vị trí trong bao lâu.
Thân phận SGE có nghĩa là ông Musk không phải tình nguyện viên nhưng cũng không phải viên chức toàn thời gian. Điều này giúp ông được miễn một số quy định về minh bạch tài chính và xung đột lợi ích áp dụng với các viên chức chính phủ toàn thời gian.
Dù vậy, SGE vẫn phải tuân thủ “hầu hết quy định, dù trong một số trường hợp thì được linh hoạt hơn”. Chẳng hạn, SGE có thể không phải công khai tài chính nếu nhận mức lương ngang hoặc thấp hơn nhóm lãnh đạo cấp cao trong chính phủ.
Trường hợp của ông Musk gây lo ngại vì vị tỷ phú đang nắm quyền kiểm soát một số doanh nghiệp có hợp đồng lớn với chính phủ Mỹ, bao gồm SpaceX - công ty chuyên cung cấp dịch vụ phóng tên lửa cho NASA và quân đội.
Richard Painter, cựu cố vấn về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng ông Musk đang "đùa với lửa". "Elon Musk đang hành động như một viên chức liên bang, nhưng lại không muốn tuân thủ các quy định về xung đột lợi ích”, ông Painter nói trên CNN.
![Đội ngũ ông Musk đã chọn Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở thủ đô Washington D.C. làm trụ sở công tác. Ảnh: New York Times.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_119_51400419/3878e5a8dae633b86af7.jpg)
Đội ngũ ông Musk đã chọn Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở thủ đô Washington D.C. làm trụ sở công tác. Ảnh: New York Times.
Ông Musk đã làm gì trong vai trò mới?
Trong những tuần gần đây, ông Musk đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ chưa từng có trong chính phủ Mỹ.
Ông tuyên bố đang trong quá trình đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đề xuất viên chức nhận trợ cấp tự nguyện thôi việc để tái cơ cấu hoàn toàn bộ máy nhân sự chính phủ, đồng thời nhận quyền truy cập vào hệ thống tài chính nhạy cảm của Bộ Tài chính - nơi xử lý hàng nghìn tỷ USD giao dịch công vụ mỗi năm.
Hôm 3/2, Tổng thống Trump khẳng định ông Musk không thể hành động một mình và mọi quyết định đều phải nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng.
"Elon không thể và sẽ không làm gì nếu không có sự đồng ý của chúng tôi”, ông Trump tuyên bố. “Nếu có xung đột lợi ích, chúng tôi sẽ không cho phép ông ấy tiếp tục”.
![Các túi thực phẩm viện trợ của USAID ở Nam Sudan. Cơ quan này đã rơi vào trạng thái tê liệt hôm 3/2. Ảnh: New York Times.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_119_51400419/0f72d3a2ecec05b25cfd.jpg)
Các túi thực phẩm viện trợ của USAID ở Nam Sudan. Cơ quan này đã rơi vào trạng thái tê liệt hôm 3/2. Ảnh: New York Times.
Tranh cãi về SGE không mới
Quyết định bổ nhiệm SGE không phải điều mới mẻ, nhưng cũng từng gây tranh cãi trong nhiều chính quyền Mỹ trước đây. Một số chuyên gia lo ngại rằng hình thức này có thể làm lu mờ ranh giới giữa khu vực công và tư, đồng thời tạo điều kiện để một số cá nhân lách luật nhằm tư lợi.
Chẳng hạn, dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, cố vấn Anita Dunn - đồng sáng lập công ty tư vấn chính trị SKDK - cũng được bổ nhiệm làm SGE, khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi về tính minh bạch trong các quyết định của bà.
Năm 2013, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley cũng cáo buộc Ngoại trưởng Hillary Clinton sử dụng quy chế SGE để tuyển dụng các đồng minh chính trị, trong khi họ vẫn giữ công việc trong khu vực tư nhân.
Ông Grassley sau đó yêu cầu Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) rà soát vấn đề này, và kết quả điều tra năm 2016 cho thấy nhiều cơ quan chính phủ gặp khó khăn khi quản lý các SGE, dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích.
"Nếu chính phủ không thể nắm được ai có thân phận SGE, họ cũng không thể kiểm soát liệu có ai đang bị xung đột lợi ích hay không”, ông Grassley khi đó cảnh báo.