Chuẩn hóa thuật ngữ âm nhạc

Phải thừa nhận, những năm gần đây, ngày một nhiều loại hình âm nhạc được biểu diễn ở các sân khấu lớn nhỏ của Việt Nam. Điều đó mang lại tín hiệu tích cực đối với đời sống thưởng thức nghệ thuật cũng như đời sống giải trí của quần chúng khi mà khán giả được tiếp cận với nhiều vở diễn, chương trình đa dạng, phong phú với những thể loại mà trước đây họ chỉ có thể thưởng thức được ở nước ngoài.

Điển hình như các vở opera, các vở musical hoặc các đêm nhạc thính phòng sang trọng vẫn được tổ chức khá đều đặn ở Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm, phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia... Tuy nhiên, khi đối diện với sự đa dạng ấy, chúng ta lại khá lúng túng trong việc sử dụng thuật ngữ và do đó rất dễ gây nhầm lẫn trong khái niệm, đồng thời tạo ra một thói quen hiểu sai cho những thế hệ tiếp nối.

Đầu tiên, phải nói tới khái niệm "nhạc kịch". Thực tế, nhạc kịch nếu phân tích trên ngữ nghĩa, bao gồm "âm nhạc" và "kịch". Do đó, với tính phổ quát quá rộng của nó, thuật ngữ nhạc kịch có vẻ phù hợp với mọi loại hình âm nhạc có tính kịch. Nhưng, thật ra, nhạc kịch đã được lớp nhạc sĩ, nhạc sư gạo cội của Việt Nam dùng để gán cho loại hình opera từ những năm 50 của thế kỷ trước. Và, kể từ đó, mặc định giới âm nhạc đều hiểu một vở "nhạc kịch" phải là một vở opera chứ không thể là loại hình âm nhạc có tính kịch nào khác.

Nhạc kịch “Tấm Cám” góp phần làm nên thương hiệu cho nhóm kịch Buffalo trên sân khấu kịch Việt.

Nhạc kịch “Tấm Cám” góp phần làm nên thương hiệu cho nhóm kịch Buffalo trên sân khấu kịch Việt.

Tuy nhiên, với làn sóng du nhập của musical, một loại hình sân khấu kịch âm nhạc có tính đại chúng hơn, nhiều người đã sử dụng thuật ngữ nhạc kịch cho cả loại hình này. Từ đó, sự nhầm lẫn bắt đầu phát sinh, đặc biệt với những người mới tiếp cận với âm nhạc và dẫn tới cách hiểu, cách dùng thuật ngữ sai lệch hẳn. Cần phải gọi musical bằng một cái tên khác để phân biệt với opera. Và, nếu căn cứ theo từ điển Oxford, từ định nghĩa "musical là một vở kịch, một bộ phim mà diễn tiến câu chuyện được biểu đạt qua các ca khúc, các vũ đạo", chúng ta nên chuẩn hóa lại để dùng thuật ngữ "Ca vũ kịch" cho musical. Đây là thuật ngữ được nhiều chuyên gia âm nhạc đồng thuận nhất bởi nó đảm bảo đủ tính chất của một vở musical là ca (ca khúc), vũ (vũ đạo) và kịch nghệ. Bản thân sự rạch ròi này sẽ dẫn tới những phân biệt có tính khoa học hơn giữa một ca khúc của một vở nhạc kịch (opera) với ca khúc của một vở ca vũ kịch (musical).

Ví dụ trên chỉ là một trong vô vàn các thuật ngữ đang cần được chuẩn hóa lại trong âm nhạc để người chơi nhạc, người viết nhạc và cả người nghe nhạc có nhận thức đúng đắn, khoa học về một bộ môn phức tạp. Đơn cử như khái niệm phối khí chẳng hạn. Nhiều người đang sử dụng sai khái niệm này. Phối khí là khái niệm dành cho dàn nhạc giao hưởng, được gọi là "orchestration", yêu cầu sự hiểu biết rất rõ về tính năng nhạc cụ của người phối khí. Vậy nhưng, ở Việt Nam hiện nay, những người chỉ chuyển soạn hoặc soạn (arrangement) các phần đệm cho các ca khúc nhạc nhẹ cũng vẫn được gọi là nhạc sĩ phối khí. Điều đó không khỏi khiến cho nhiều nhạc sĩ, nhạc sư gạo cội phải nhíu mày vì sự hiểu sai giữa hai khái niệm đáng được xem là nền tảng nhất.

Đã đến lúc giới âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần chuẩn hóa lại thuật ngữ trong âm nhạc. Việc đó sẽ giúp khán giả có được một khái niệm mạch lạc hơn và từ đó cũng khơi gợi cho khán giả thêm mong muốn tìm hiểu sâu về loại hình âm nhạc mà họ ưa chuộng.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/chuan-hoa-thuat-ngu-am-nhac-i739802/
Zalo