Chuẩn bị tâm thế, đón cơ hội gia nhập chuỗi sản xuất ngành hàng không vũ trụ

Thị trường dịch vụ hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt 129 tỷ USD vào năm 2043, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Cơ hội thị trường là rất lớn

Là doanh nghiệp làm trong mảng cơ khí chính xác, ông Vũ Mạnh Giáp - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chính xác TCI - cho biết, doanh nghiệp cũng đang đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế để sản xuất linh phụ kiện cho doanh nghiệp FDI, do đó việc chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như Chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ (AS9100) đối với doanh nghiệp là không quá khó khăn. Mong muốn được tham gia chuỗi giá trị ngành hàng không, vũ trụ nhưng với doanh nghiệp như TCI khó khăn lớn nhất đó là làm thế nào để kết nối được với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng không, vũ trụ toàn cầu.

Máy bay 787 Dreamliner đang được lắp ráp tại nhà máy của Boeing ở Bắc Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ hồi tháng 5/2023. Ảnh: AFP

Máy bay 787 Dreamliner đang được lắp ráp tại nhà máy của Boeing ở Bắc Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ hồi tháng 5/2023. Ảnh: AFP

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phong - CEO Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (An Mi Tools) - cho hay, hiện các hãng hàng không tại EU, Hoa Kỳ rất quan tâm tới việc tìm kiếm đơn vị sản xuất tại Việt Nam để chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về. Đây là cơ hội tốt, lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Theo phân tích thị trường, mức tăng về nhu cầu máy bay trong 20 năm tới là hấp dẫn. Tuy nhiên, giai đoạn đầu để doanh nghiệp Việt Nam có thể vào được chuỗi sản xuất, chúng tôi nhìn nhận là khá khó khăn và tốn kém, rủi ro thất bại là cao trong khi chưa thực sự đánh giá được tính chất kinh doanh này, cũng như các yếu tố quan trọng về độ ổn định, độ lớn của đơn hàng.

Theo dự báo dịch vụ toàn cầu (GSF) mới nhất của Airbus, thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gấp đôi giá trị từ mức 52 tỷ USD hiện nay lên 129 tỷ USD vào năm 2043.

Dự báo, giá trị thị trường của phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ tăng hơn gấp đôi từ 43 tỷ USD lên 109 tỷ USD; phân khúc cải tiến và nâng cấp máy bay dự kiến sẽ tăng trưởng tương tự từ 5,1 tỷ USD lên 13 tỷ USD; trong khi phân khúc đào tạo và vận hành dự kiến sẽ tăng từ 4,1 tỷ USD trong năm 2024 lên 7,6 tỷ USD vào năm 2043. Con số này đạt được do nhu cầu về khoảng 19.500 máy bay mới và lưu lượng hành khách hàng không trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4,81%. Đặc biệt, sự phát triển này của ngành hàng không sẽ cần một số lượng lớn linh kiện công nghiệp hỗ trợ.

Thông tin về kinh nghiệm và khả năng đầu tư sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ tại Việt Nam, ông Onaga Masaru – Chủ tịch Công ty Onaga Việt Nam, nhu cầu đối với máy bay thương mại trong 20 năm tới dự kiến khoảng 36.000 chiếc. Thị trường máy bay thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 5% trong 20 năm tới. Tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không Việt Nam đứng số 5 thế giới và đứng số 1 ở Đông Nam Á. Những dữ liệu trên cho thấy cơ hội rất lớn để gia nhập ngành công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực hàng không, vũ trụ của Việt Nam.

Dù vậy, theo ông Onaga Masaru, công nghiệp sản xuất máy bay là một lĩnh vực tương đối mới ở Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhà sản xuất nội địa nào đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng máy bay. Boeing, công ty sản xuất máy bay của Mỹ hiện đang quan tâm tới thị trường Việt Nam, mở ra cơ hội kinh doanh cho Việt Nam.

Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu

Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba) - nhận định, ngành công nghiệp chế tạo cho lĩnh vực hàng không, vũ trụ tại Việt Nam tuy còn mới nhưng đang có những bước chuyển mình nhanh chóng và sẽ có tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Để gia nhập chuỗi sản xuất cung ứng, linh kiện hàng không, vũ trụ của thế giới, ông Nguyễn Hoàng cho hay, việc đáp ứng được các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật và chất lượng là điều kiện kiên quyết. Trong đó, việc được cấp giấy chứng nhận AS9100 sẽ là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này.

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng cho hay, về phía Hansiba sẽ đồng hành cùng với doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động giao thương với các tổ chức, hiệp hội liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Hansiba cũng sẽ hợp tác với các đơn vị đối tác từ các quốc gia để trong việc tập huấn, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được chứng chỉ sản xuất toàn cầu từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội - đề nghị, các doanh nghiệp đối tác tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khách hàng, thị trường, hợp tác sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để sản xuất, kinh doanh và phát triển các sản phẩm lĩnh vực công nghiệp hàng không, tham gia chuỗi sản xuất cung ứng linh kiện hàng không vũ trũ toàn cầu.

Còn theo bà Cristina Aguilar Grieder - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Dịch vụ khách hàng của Airbus, Airbus sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hãng hàng không và ngành hàng không nói chung để thích ứng với những cơ hội mà thị trường mang tới.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đánh giá, ngành hàng không vũ trụ là ngành công nghiệp hiện đại, khẳng định vị thế, tâm thế và sự sẵn sàng khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hiện đại của thế giới.

Với việc Việt Nam tham gia sâu rộng và là đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc công nghiệp trên thế giới, ông Hoàng Quang Phòng tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo, định hướng của Đảng - Nhà nước và Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ đồng hành của Chính phủ các quốc gia, đặc biệt sự phối hợp của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước trong việc cùng nhau hợp tác - sản xuất - dịch vụ sẽ đem lại kết quả tích cực cho các bên, cùng nhau tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhân chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York, mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi tiếp ông Brendan Nelson - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Công ty Boeing Global.

Theo thông tin từ TTXVN, tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi lời cảm ơn và ghi nhận những cam kết của Boeing về việc hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái công nghiệp hàng không và vũ trụ trong thời gian tới.

Đánh giá cao thành tựu kinh doanh cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của Boeing với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là khi Việt Nam - Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật để các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói chung và Tập đoàn Boeing nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam khuyến khích Boeing tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác R&D, chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này.

Trong buổi trao đổi, phía Việt Nam cũng đề nghị Boeing tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hoàn thành và chuyển giao các đơn đặt hàng mua tàu bay đã ký kết trong thời gian qua. Đặc biệt, Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các cảng hàng không lớn của Việt Nam; đồng thời tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Boeing.

Về phía Boeing, ông Brendan Nelson đánh giá rất cao tầm nhìn và quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về tầm quan trọng của kinh tế hàng không trong quá trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đồng thời khẳng định Boeing đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) để có những hỗ trợ về tài chính, tìm hướng giải quyết các khó khăn. Hai bên quyết tâm trong năm 2028 hoàn thành hợp đồng đã ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing cũng cam kết Boeing thời gian tới sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa và bảo trì máy bay.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuan-bi-tam-the-don-co-hoi-gia-nhap-chuoi-san-xuat-nganh-hang-khong-vu-tru-348937.html
Zalo