Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đến trường
Theo kế hoạch của UBND TP HCM, trẻ mầm non và tiểu học sẽ bắt đầu đến trường từ ngày 14-2, sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19.
Trong hướng dẫn đón trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra rà soát số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đủ điều kiện đón trẻ đến học trực tiếp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.
Ngày đầu tiên trẻ đến trường, giáo viên hỗ trợ đón trẻ, cho trẻ làm quen với trường, lớp, bạn thông qua các clip để trẻ nhanh chóng thích nghi. Đồng thời, kiểm tra sức khỏe (đo thân nhiệt, rửa tay) và hướng dẫn trẻ vào lớp phù hợp với điều kiện, quy mô của đơn vị. Giáo viên quan sát những biểu hiện tâm lý của trẻ, trò chuyện, tìm hiểu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời...
Tùy độ tuổi, tâm lý của trẻ sẽ có sự biến động khi chuyển từ môi trường này sang môi trường khác. Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Mai Liên, giảng viên Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), cho rằng lúc không có dịch bệnh, tâm lý thông thường của trẻ khi đến trường cũng mang hai nỗi sợ. Nỗi sợ thứ nhất là việc lo âu khi chia tách, trẻ đã gắn bó với cha mẹ một thời gian dài liên tục, khi phải xa môi trường đó sẽ thấy bất an. Trẻ phản ứng bằng cách khóc, mè nheo, không muốn vào lớp học.
Thứ hai, đối với trẻ ở độ tuổi nhỏ, vừa bắt đầu đến trường mầm non thì sẽ có nỗi lo về sự xa lạ. Thầy cô lạ, bạn bè lạ, sẽ cảm thấy không thân quen và khó chịu.
Để trẻ bớt những nỗi lo, tiến sĩ Mai Liên cho biết phụ huynh phải chuẩn bị trước tâm lý cho các em bằng cách thường xuyên nói về thời gian trẻ đến trường. Ngoài ra, phụ huynh có thể tạo bảng thời gian đếm ngược ngày đến trường, mô tả cho trẻ quá trình học hay cho các em xem nhiều hình của trường.
Nếu học sinh lớp 1, mầm non đã nhận lớp và xếp lớp, giáo viên có thể gọi điện cho bé để bắt đầu làm quen, giúp trẻ bớt nỗi sợ xa lạ. Khi trẻ đi học, phụ huynh nên mang theo các vật dụng cá nhân quen thuộc của các em để sử dụng tại lớp.
"Nhìn chung, các em sẽ phải mất vài tuần, vài tháng mới làm quen được lớp học. Nhưng được đến trường, có nhiều hoạt động, gặp bạn bè mới, vui vẻ, trẻ cũng sẽ háo hức. Vì vậy, phụ huynh không nên căng thẳng quá mức, điều hòa tâm lý của mình để trấn an tâm lý cho trẻ" - tiến sĩ Mai Liên nhấn mạnh.
Để học sinh không "sốc" khi quay trở lại trường sau thời gian nghỉ kéo dài, chị Huỳnh Thị Thanh Mai, chủ trường mầm non tại quận Phú Nhuận (TP HCM), đã trao đổi với phụ huynh và thống nhất trước một tuần trẻ đến trường sẽ cho các em thực hiện thời gian biểu giống như ở lớp. Như vậy, khi đến lớp, trẻ sẽ làm quen nhanh hơn với thời gian thức dậy, ăn sáng, ăn trưa, ngủ trưa.