Chuẩn bị khung pháp lý cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Trong 15 năm triển khai thực hiện, Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) được Quốc hội thông qua năm 2008 đã khẳng định vai trò, sự đóng góp trong việc hình thành công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh, phát triển bền vững ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật NLNT cũng là căn cứ pháp lý để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Nghị quyết số 41/NQ-QH12 ngày 25-11-2009) và Chính phủ đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với Chính phủ Nga, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với Chính phủ Nhật Bản trong các năm 2010-2011 và hiện nay là với Dự án Trung tâm Nghiên cứu KH-CN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới.
Tuy nhiên, đến nay một số chính sách, quy định của Luật NLNT đã bộc lộ hạn chế, nhất là sự thiếu đồng bộ với một số luật được ban hành sau đó (Luật Xây dựng năm 2020, Luật Điện lực năm 2018, 2024, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Khoáng sản năm 2010...), từ đó phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành. Luật NLNT cũng chưa theo kịp với các yêu cầu, hướng dẫn mới của Cơ quan NLNT quốc tế về an toàn, an ninh; chưa đầy đủ yêu cầu nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực NLNT mà Việt Nam là thành viên. Về thực tiễn quản lý, một số quy định thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng, theo kịp sự phát triển nhanh của KH-CN hạt nhân, công nghệ bức xạ. Vì vậy, Luật NLNT nên được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Ngày 30-11-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật NLNT. Bộ KH-CN đang lấy ý kiến về chính sách, pháp luật NLNT, để hoàn thiện nội dung dự thảo Luật NLNT (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2025.
Theo Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) Nguyễn Tuấn Khải, các quy định của Luật NLNT (sửa đổi) phải có tính dự báo đầy đủ và giúp kiến tạo hành lang pháp lý cho sự việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng của NLNT hiện nay và tương lai; tôn trọng tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ luật pháp quốc tế; sự hài hòa, tính tương thích, nội luật hóa phù hợp đầy đủ, kịp thời các cam kết, nghĩa vụ tại các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Việc nhanh chóng hoàn thiện dự thảo với chất lượng tốt để trình Quốc hội thông qua Luật NLNT (sửa đổi) ở thời điểm này là hết sức quan trọng; nhất là việc tạo hành lang pháp lý phục vụ kịp thời cho việc thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân cho các ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình tại Việt Nam.