Chuẩn bị các điều kiện sản xuất lúa xuân

Trong không khí những ngày đầu năm mới, người dân các địa phương đang tích cực thu hoạch diện tích cây trồng cuối vụ đông; tranh thủ thăm đồng, gieo và chăm sóc mạ, chuẩn bị các điều kiện xuống đồng gieo cấy lúa vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

Người dân xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) chăm sóc mạ. Ảnh: Lê Ngọc

Người dân xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) chăm sóc mạ. Ảnh: Lê Ngọc

Theo kế hoạch, vụ xuân 2025, huyện Thọ Xuân gieo cấy 7.850ha lúa, trong đó có 5.700ha lúa lai, 1.700ha lúa thuần chất lượng cao và 500ha lúa giống. Để năng suất, sản lượng lúa xuân năm nay đạt kết quả cao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, chỉ đạo các HTX xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho nông dân. Đồng thời, thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, gia cố các trạm bơm đáp ứng yêu cầu sản xuất; liên tục theo dõi diễn biến thời tiết để khuyến cáo người dân bám sát lịch thời vụ, xây dựng phương án tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất... Cùng với đó, khuyến khích các địa phương chú trọng hướng dẫn người dân mở rộng diện tích làm mạ khay, máy cấy, gieo hạt bằng máy, tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp... Đến thời điểm này, phần lớn lượng giống của các đơn vị đã được đưa về cơ sở thông qua hệ thống cửa hàng, HTX để phục vụ nhu cầu gieo cấy của bà con nông dân; nguồn cung năm nay khá dồi dào, giá các loại giống lúa tương đối ổn định.

Tại xã Xuân Hồng, bước vào sản xuất vụ xuân trong điều kiện thời tiết có những diễn biến bất thường, UBND xã Xuân Hồng đã lên kế hoạch chỉ đạo tăng tối đa diện tích trà xuân muộn, đồng thời cơ cấu phù hợp để tạo quỹ đất, thời gian cho sản xuất vụ mùa và vụ đông. Vì vậy, xã cũng khuyến cáo người dân ưu tiên các loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng thích ứng và chống chịu rộng để đưa vào gieo cấy như: Thụy Hương 308, BC15 mới, TBR225, Thiên Ưu 8, các giống Khang Dân, nếp các loại... với mục tiêu gieo trồng 520ha. Bên cạnh đó, mỗi cánh đồng chỉ cơ cấu từ 1 - 2 giống, mỗi địa phương cấp xã cơ cấu từ 2 - 3 giống để hình thành vùng sản xuất đồng bộ, tập trung, thuận lợi ứng dụng các biện pháp thâm canh.

Người dân phường Đông Tân (TP Thanh Hóa) chống rét cho mạ.

Người dân phường Đông Tân (TP Thanh Hóa) chống rét cho mạ.

Ông Hoàng Đình Tuân, người dân thôn Hùng Mạnh, xã Xuân Hồng, cho biết: “Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất, hiện nay chúng tôi đang che phủ cho mạ để chống rét và phòng chuột phá hoại, đưa máy móc ra đồng đẩy nhanh tiến độ cày ải, phơi đất... Đối với những diện tích nơi đồng trũng, chúng tôi cũng chủ động lấy nước tiến hành bừa dầm ngâm gốc rạ, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất vụ xuân theo khung thời vụ”.

Xác định vụ xuân là vụ chủ lực có tiềm năng năng suất cao và quyết định tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành để giành thắng lợi nhất là trong bối cảnh khí hậu thời tiết biến đổi bất thường. Vụ xuân 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 112.000ha lúa, năng suất 65 tạ/ha trở lên; trong đó, có 6.720ha lúa nếp. Do năm 2025 có thời vụ vụ mùa dài, hiện tượng rét đậm, rét hại xuất hiện trên diện rộng cùng quan điểm tăng tối đa diện tích xuân muộn nên các địa phương sẽ tập trung cấy các trà lúa xung quanh tiết lập xuân, khoảng 4/2/2025. Bên cạnh đó, ưu tiên chọn giống chất lượng cao như: X21, Thái Xuyên 111, TBR89, Phúc Thái 168, Thụy Hương 308, VNR20, VT404, Phú Ưu 978; TBR225, TBR97, BC15 mới, Thiên Ưu... mở rộng diện tích lúa nếp; bố trí gọn từng trà, mỗi cánh đồng chỉ sử dụng 1 - 2 loại giống, tập trung gieo trồng từ 3 đến 5 ngày. Đồng thời, mở rộng diện tích làm mạ khay, máy cấy, gieo hạt bằng máy, tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân viên nén dúi sâu cho các vùng không chủ động được nước tưới...

Cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, hiện nay, bà con nông dân các địa phương đang tích cực huy động mọi nguồn lực tổ chức thu hoạch cây trồng vụ đông, giải phóng gần 100.000ha đất để chủ động vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các điều kiện triển khai sản xuất vụ xuân. Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, HTX phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp có kế hoạch cung ứng đủ giống, vật tư, phân bón cho nông dân, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, đúng chủng loại, giá cả hợp lý. Chi cục thủy lợi, các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi thường xuyên phối hợp với các địa phương tập trung sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra, nhất là các hồ chứa để đáp ứng kịp thời cho sản xuất. Hiện nay, diện tích mạ đã gieo tại các địa phương đều được che phủ nilon để chống rét nên sinh trưởng, phát triển tốt.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuan-bi-cac-dieu-kien-nbsp-san-xuat-lua-xuan-236562.htm
Zalo