Chưa thể giải ngay bài toán úng ngập đô thị
Cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão đi qua để lại nhiều hậu quả nặng nề về người và tài sản. Nước ngập lụt khắp nơi, không phân biệt miền núi hay vùng đồng bằng. Các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và tình trạng ngập lụt tại các đô thị lớn xảy ra thường xuyên hơn, cả mùa mưa lẫn mùa khô ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Trên thực tế, thời gian qua đã có những dự án chống ngập lên cả ngàn tỷ đồng những vẫn không “cứu” được đô thị thoát khỏi biển nước khi mưa to kéo dài. Yêu cầu về xây dựng và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng ngừa úng ngập ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên rất khó để có thể giải ngay bài toán úng ngập đô thị.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, bên cạnh việc đô thị hóa không đồng bộ với các giải pháp chống ngập thì việc nhiều sông ngòi kênh rạch tự nhiên bị lấn, lấp để xây nhà cửa, đô thị làm hẹp đi không gian thoát nước tự nhiên là nguyên nhân trực tiếp gây ngập.
Để chống ngập bền vững, chính quyền các thành phố cần nhất quán trong việc quy hoạch cũng như cấp phép các dự án đô thị, nhất là đô thị ven sông, kênh, rạch. Bởi cuối cùng, việc thoát nước sẽ không đạt hiệu quả tốt nếu hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị lấn, lấp.
TP Hồ Chí Minh được kiến trúc sư dẫn chứng với việc mấy chục năm nay đã lấp kênh để làm cống hộp (loại cống này có dung tích lớn và khả năng thoát nước mạnh mẽ, cho phép nạo vét và bảo dưỡng dễ dàng hơn) nhưng về bản chất vẫn không bao giờ thay thế được kênh. Bởi kênh không những lượng nước chứa rất lớn mà nước còn có thể đưa xuống nước ngầm, đó là một trữ lượng nước rất lớn.
Tương tự, câu chuyện ở Hà Nội cứ mỗi cơn mưa lớn lại biến nhiều phố thành sông cũng là bài toán khiến cơ quan quản lý đau đầu. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố tồn tại 30 "điểm đen" mưa là ngập. Nổi tiếng trên bản đồ ngập úng là phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt), phố Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), đại lộ Thăng Long (ngã ba đường Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6 km9+656, nút giao An Khánh)…
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ rõ, nguyên nhân khiến Thủ đô cứ mưa là ngập là do hệ thống cống và mương thoát nước còn nhiều hạn chế. Hà Nội chia ra 3 vùng để thoát nước, vùng Bắc Hà Nội, vùng Tả Sông Đáy và vùng Hữu Sông Đáy. Nhưng hiện các trạm bơm để hút nước cục bộ, trạm trung gian để chuyển ra trạm cuối nguồn chưa làm được. Ngoài ra, các trạm bơm cuối nguồn cũng chưa đảm bảo có đủ công suất lớn để hút hết nước. Mặt khác còn nhiều trạm bơm chưa được xây dựng cũng khiến việc thoát nước càng trở nên khó khăn hơn.
Ông Nghiêm chia sẻ, kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong phòng, chống ngập úng cho thấy, phải có từ 3-5% mặt đất làm hồ điều hòa nước. Nhưng Hà Nội hiện chỉ có khoảng 2%, tương đương với 6.000 ha hồ. Tuy Hà Nội có nhiều hệ thống mương nhưng bị lấp cũng nhiều và chưa khai thác được hết tiềm năng của hệ thống mương này.
Có thể thấy, công trình chống ngập của các đô thị trên cả nước là rất cần thiết thế nhưng chưa đủ nhất là với yếu tố biến đổi cực đoan của thời tiết hiện nay. Việc giải quyết tình trạng ngập úng cần phải có chiến lược, tầm nhìn bền vững.
Với TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia hiến kế, cần đánh giá lại hiệu quả các dự án chống ngập đã thực hiện thời gian qua với mặt được và chưa được, vừa rút kinh nghiệm cho các dự án sau, vừa kiểm soát kết quả thực hiện. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đô thị khác trên thế giới. Từ đó, có thể giảm thiểu tác động của ngập lụt và hướng tới một tương lai bền vững hơn cho người dân và cộng đồng.
Để giải bài toán "cứ mưa là ngập" của Thủ đô, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cách tốt nhất là phải sớm điều chỉnh lại các dự án thoát nước. Ngoài ra, cần duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống kênh, mương, cống... Đặc biệt, cần có chính sách nghiên cứu tổng thể hệ thống sông chảy qua Hà Nội.
Hiện Hà Nội đang triển khai một số dự án, như hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, nâng cấp xây dựng các trạm bơm, cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây… Cùng đó, hàng loạt dự án đang được chuẩn bị đầu tư như hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ, hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ… Ngoài ra, 3 dự án thoát nước do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư đều đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư và đốc thúc tiến độ thực hiện.
Câu chuyện biến đổi khí hậu và hệ lụy ngập úng không chỉ xảy ra ở các đô thị trung tâm mà đã lan rộng khắp các vùng miền. Để phòng chống thiên tai, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược và chương trình liên quan, hướng tới kiểm soát, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững.
Tuy nhiên, việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và phát triển đô thị vẫn còn những hạn chế. Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, để có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, đô thị cần phải có quy mô vừa phải, đủ năng lực thích ứng. Và khi số lượng đô thị cần có khả năng chống chịu ngày một tăng cao, Việt Nam cần sớm thông qua hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Vũ Cảnh Toàn - Đại diện ISET Việt Nam (Viện chuyển đổi Môi trường và Xã hội Quốc tế) cho biết, bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay là VN-CRI được xây dựng dựa trên khung CRF; tập trung vào lĩnh vực xây dựng và quy hoạch, phát triển đô thị. Khung đánh giá đã được thử nghiệm và thí điểm ở 5 thành phố, áp dụng mở rộng tại 28 đô thị khác. Tuy nhiên, bộ chỉ số này vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải được phát triển thêm trong thời gian tới.
Chuyên gia này đề xuất, Việt Nam nên xem xét các khung và chỉ số của các quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Đức, Mỹ, Pháp... Các chỉ số nên có tính thiết thực, bền vững và khả thi. Trong đó, cần làm rõ mục đích, phạm vi áp dụng chỉ số; đồng thời thể chế hóa và tích hợp quan điểm tiếp cận vào chính sách, quy chuẩn kỹ thuật.
Từ đó, nâng cao năng lực đồng bộ cho các địa phương cũng như tăng cường tính hệ thống bằng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng; xác định rõ đối tượng sử dụng kết quả và mục đích sử dụng ở từng chỉ số. Bên cạnh đó, cần làm rõ khung lý thuyết về khả năng chống chịu. Cơ sở lý thuyết phải giúp các đối tượng hiểu rõ đặc thù của đô thị. Còn về khía cạnh kỹ thuật, cần lưu ý tới các chỉ số thể hiện mối liên hệ tương tác giữa các hệ thống, ngành, khu vực, các cấp…
Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội (tháng 6/2024) liên quan đến tình trạng ngập tại các đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Giải pháp đầu tiên được Bộ trưởng nêu là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định cần nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Cùng đó là tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai quy hoạch cũng như quy định pháp luật trong xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.