Chưa thành niên có được giao dịch dân sự?

Giao dịch dân sự của người chưa thành niên là giao dịch có điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thính giả Hoàng Quốc Huy ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định gửi thư về chương trình với nội dung như thế này:

Do cần tiền chơi điện tử, cậu con trai 13 tuổi của tôi đã bán chiếc xe đạp Nhật mà tôi mua cho để đi học với giá 1,5 triệu đồng cho ông thợ sửa xe đạp ở gần nhà. Khi thấy con không đi xe đạp về nhà trong nhiều ngày và sau nhiều lần tra hỏi, tôi mới biết việc mua bán đó. Tôi đã tìm gặp ông thợ sửa xe đề nghị được chuộc lại chiếc xe và hoàn trả ông ấy 1,5 triệu đồng nhưng ông không đồng ý vì cho rằng việc mua bán giữa ông và côn trai tôi là hoàn toàn tự nguyện, ông không có trách nhiệm phải trả lại chiếc xe. Ông ấy bảo, nếu tôi muốn lấy lại chiếc xe, thì phải chấp nhận giá bán mà ông ấy đưa ra. Tôi muốn hỏi ông thợ sửa xe làm như vậy là đúng hay sai?

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết, khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Còn tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Đồng thời, người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp người thành niên mà bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người thành niên có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội

Việc xác định người chưa thành niên hay thành niên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các giao dịch dân sự. Tùy vào từng độ tuổi của người chưa thành niên để xác định giao dịch dân sự của người chưa thành niên. Cụ thể:

1. Giao dịch dân sự với người chưa đủ 6 tuổi:

Giao dịch dân sự của người chưa thành niên trong trường hợp này sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Trong đó, người đại diện theo pháp luật của cá nhân là con chưa thành niên là cha, mẹ.

Như vậy, giao dịch dân sự của người chưa thành niên dưới 6 tuổi sẽ do cha, mẹ của người này thực hiện. Tuy nhiên, nếu giao dịch đó được thực hiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó thì sẽ không bị vô hiệu theo quy định của khoản 2 Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Giao dịch dân sự với người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi:

Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ các loại giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi của người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi.

3. Giao dịch dân sự với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi:

Với đối tượng này, người chưa thành niên từ đủ 15 – 18 tuổi có thể tự mình thực hiện, xác lập giao dịch dân sự trừ các loại giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký và các loại giao dịch khác mà quy định của pháp luật yêu cầu người đại diện phải đồng ý.

Ngoài ra, khi thực hiện các giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực nêu tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

- Chủ thể có năng lực hành vi dân sự phải phù hợp với các loại giao dịch được xác lập;

- Việc tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện;

- Nội dung, mục đích của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Nếu hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của loại giao dịch mà người chưa thành niên thực hiện thì giao dịch dân sự này phải đáp ứng điều kiện đó.

Như vậy, theo Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự giữa con trai thính giả và người thợ sửa xe là vô hiệu.

Hơn nữa, Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Do đó, trong trường hợp này, việc người thợ sửa xe yêu cầu thính giả phải mua lại chiếc xe với giá bán mà ông ấy đưa ra là sai quy định của pháp luật.

Thu Hằng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/chua-thanh-nien-co-duoc-giao-dich-dan-su-post1123133.vov
Zalo