Chưa ra rạp, 'Cám' đã gây tranh luận trái chiều về trang phục

Trang phục trong phim 'Cám' sắp ra mắt đã tiếp tục làm dấy nên những tranh cãi xoay quanh câu chuyện phục trang trong phim cổ trang Việt Nam.

Thời gian qua, Cám có thể xem là bộ phim cổ trang nhận về nhiều sự chú ý của khán giả Việt. Cám là dị bản kinh dị từ câu truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám, dự kiến khởi chiếu ngày 27/9/2024. Sau khi tung teaser trailer và poster, ngày 20/8, phim điện ảnh Cám gây ra cuộc tranh luận sôi nổi về phục trang trong phim cổ trang Việt Nam.

 Toàn bộ trang phục trong phim được cho là trang phục trong dòng văn hóa dân gian Việt Nam xưa. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Toàn bộ trang phục trong phim được cho là trang phục trong dòng văn hóa dân gian Việt Nam xưa. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Theo đó, không ít khán giả đánh giá cao tạo hình của Cám, cho rằng mang đúng hơi thở cổ trang Việt Nam. Nhiều người có chuyên môn cũng nhận ra phục trang của bộ phim Cám có sự nghiên cứu về tạo hình, dạng thức trang phục cổ của thời Nguyễn, đánh giá về cách thể hiện màu sắc lấy cảm hứng từ các chất liệu văn hóa dân gian như tranh Đông Hồ, tranh làng Sình và phủ lớp màu trầm mặc rất phù hợp với tinh thần ma mị của bộ phim.

Tuy nhiên, một số khán giả khác cho rằng trang phục trong phim không phản ánh đúng bối cảnh lịch sử mà bộ phim muốn tái hiện. Đơn cử như tạo hình của Thúy Diễm trong vai Bà kế. Cô diện mẫu váy cổ yếm, để lộ phần lưng. Việc phục trang cắt xẻ táo bạo như thế đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Một khán giả bình luận: “Trang phục bản Tấm Cám lần này cắt xẻ nhiều quá; Phụ nữ xưa không ai mặc hở hang như thế này cả; Cổ phục bị pha trộn ‘hổ lốn’, mớ ba mớ bảy, tổng thể không hài hòa…".

 Một cảnh trong bộ phim "Cám". Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Một cảnh trong bộ phim "Cám". Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Trước đó, rất nhiều phim từng bị khán giả chỉ trích vì sai trang phục, “Đất rừng phương Nam” là một ví dụ. Ngay từ khi chưa ra rạp, nhiều cư dân mạng chỉ ra trang phục của một số nhân vật “Đất rừng phương Nam” không giống Việt Nam, có hơi hướng giống phim Hoa ngữ như Hoàng Phi Hồng hay Diệp Vấn. Chi tiết rõ rệt nhất trên quần áo bị khán giả chỉ ra là phần cúc áo, có thể thấy rõ sự tương đồng với trang phục các nhân vật phim Hoa ngữ.

Hay, bộ phim điện ảnh dã sử "Quỳnh hoa nhất dạ" cũng trở thành tâm điểm bàn luận khi vừa mới công bố hình ảnh thử trang phục của diễn viên người mẫu Thanh Hằng. Đảm nhiệm vai Thái hậu Dương Vân Nga - nhân vật chính của phim, bộ phụng bào mà Thanh Hằng mặc thử bị cho rằng mang hơi hướng triều Mãn Thanh, Trung Quốc. Nhiều người chỉ ra chiếc nút trên phụng bào rõ ràng "lai căng".

Phim "Kiều" của Mai Thu Huyền khi tung poster cũng bị khán giả chỉ trích rằng đoàn làm phim quá “to gan” khi để nàng Kiều mặc hoàng y - màu chỉ dành cho vua trong thời phong kiến. Phim "Tấm Cám - chuyện chưa kể" của Ngô Thanh Vân cũng bị chê trang phục của Cám và dì ghẻ quá tân thời, quá lộng lẫy, không phù hợp khi sử dụng chất liệu voan, áo yếm cách điệu và khăn vấn trang trí màu mè...

 Phân đoạn Thái tử rước Tấm về cung. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Phân đoạn Thái tử rước Tấm về cung. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Trở lại với Cám. Tranh luận khiến nhà sản xuất lên tiếng giải thích về quá trình thiết kế phục trang cho bộ phim Cám sau khi đối mặt với những ý kiến trái chiều từ khán giả. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Bộ phim là dị bản kinh dị từ truyện Tấm Cám, thế nên chúng tôi phải làm sao để phần phục trang gần với hình dung của mọi người về câu chuyện này, nhưng đồng thời cũng phải mới lạ và sáng tạo. Những bộ trang phục trong phim lấy cảm hứng từ phục trang ở giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn”.

Phần phục trang của phim do chuyên gia phục trang Nabongchua thực hiện, với thiết kế của họa sĩ Duy Văn và tư vấn từ nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam.

Mặt khác, trong phim, toàn bộ trang phục trong dự án được nhận dạng là trang phục trong dòng văn hóa dân gian Việt Nam xưa như áo Tứ thân, Ngũ thân, Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm…

Không chỉ dừng lại ở kiểu dáng của cổ phục, tổ phục trang còn chú ý vào các chi tiết như cách mặc sao cho đúng; như cách đắp vạt áo theo cách của người Việt, các chất liệu, màu sắc phù hợp từng giai cấp cụ thể và tiệm cận với thời kỳ mà bộ phim lựa chọn, các phụ kiện hài, guốc hay việc các tầng lớp nào thì phải mang chân không trong phim.

Trước Cám, đã có không ít phim Việt dù được đầu tư kinh phí lớn, hao tâm tổn sức làm ra những bộ trang phục lộng lẫy đẹp mắt nhưng vẫn vướng tranh cãi là sai lệch so với thực tế, nhân vật mặc chưa đúng bối cảnh như: Đường Tới Thành Thăng Long, Thiên Mệnh Anh Hùng, Mỹ Nhân Kế, Anh Chàng Vượt Thời Gian...

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chua-ra-rap-cam-da-gay-tranh-luan-trai-chieu-ve-trang-phuc-post309649.html
Zalo