Chùa Long Đọi Sơn trầm mặc, cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nam
Chùa Long Đọi Sơn có tên chữ là Diên Linh tự hay Long Đọi Sơn tự, còn dân gian quen gọi là chùa Long Đọi hoặc chùa Đọi. Chùa được xây dựng trên núi Đọi Sơn thuộc địa phận thôn Đại Nhất, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tính Hà Nam
Dân gian có câu rằng: "Nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi" để nói đến 3 ngôi chùa lớn là chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam), chùa Đa Bảo (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và chùa Khê Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong đó chùa Long Đọi Sơn được xếp vào hàng cổ tự nổi tiếng.
Chùa Long Đọi Sơn có tên chữ là Diên Linh tự hay Long Đọi Sơn tự, còn dân gian quen gọi là chùa Long Đọi hoặc chùa Đọi. Chùa được xây dựng trên núi Đọi Sơn thuộc địa phận thôn Đại Nhất, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tính Hà Nam.
Kỳ lạ thay Quá núi cao như nổi giữa đông băng trù phú nhìn tựa dáng rồng phục; nhìn từ phía Tây hai ngọn núi hai bên nhô ra như hai chiếc tay ngai, ngọn ở giữa lùi lại như một chiếc án.
Theo quan niệm địa lý, phong thủy xưa thì núi Đọi nằm trên địa thế Cửu Long (chín con rồng), một thể đất đẹp và linh thiêng. Dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca:
"Đầu gối núi Đọi,
Chân dọi Tuần Vường.
Phát tích để vương,
Lưu truyền vạn đại".
Núi Đọi Sơn cùng với sông Châu đã trở thành biểu tượng của Hà Nam; đứng trên đỉnh núi nhìn xuống trông xa tựa như bức tranh thủy mặc, thật là:
"Giữa cánh đồng bằng một trái non,
Kìa chùa Long Đọi đứng chon von.
Công trình kiến trúc khen ai khéo,
Phong cảnh xưa nay dậy tiếng đồn".
Trải qua thăng trầm của lịch sử, kiến trúc và quy mô của chùa Long Đọi Sơn đã biến đổi nhiều nhưng Chính điện luôn quay về hướng Nam. Không biết từ bao giờ trên núi Đọi có am thiền nhỏ, đến năm 1054 Vua Lý Thánh tông cùng Thái hậu Ỷ Lan thấy cảnh sắc nơi đây rất đẹp nên đã cho xây dựng chùa với quy mô lớn, đưa chùa Long Đọi Sơn thành một trung tâm Phật giáo lớn của đất Sơn Nam xưa.
Tiếp đó vào năm 1118 vua Lý Nhân Tông đã ra lệnh cho xây dựng và mở mang chùa to đẹp hơn và cho xây dựng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh cao 13 tầng... Thời giặc Minh xâm lược, chùa bị phá hủy và cây bảo tháp cao 13 tầng cũng bị đánh sập hoàn toàn. Sau này đến đời Hậu Lê, rồi nhà Mạc đều quan tâm phục dựng, mở mang chùa Long Đọi Sơn; thời nhà Nguyễn, chùa được trùng tu lớn, sửa lại Thượng Điện, Tiền Đường, Nhà Tổ, gác hương, nghi môn,...
Đến năm 1947 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa lại bị phá một lần nữa. Tới năm 1957 chùa bắt đầu được tôn tạo, từng bước khôi phục lại; từ đó đến nay qua nhiều lần trùng tu, diện mạo và không gian của ngôi chùa đã mở mang đẹp đẽ. Ngôi chùa ngày nay mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, công trình chính của chùa gồm có: bái đường, Thượng Điện, hệ thống vì kèo làm theo kiểu chồng đấu giá chiêng, cột cái kê đá cổ, xà và hoành vuông, mái lợp ngói ta. Ngoài ra còn có tượng đài Quán Âm, nhà tổ, tăng phòng, nhà khách, phủ thờ Mẫu Liễu... Ngoài ra, khu phía Tây chùa còn có khu vườn tháp gồm hơn 200 ngôi của các vị sư.
Dù trải nhiều thăng trầm, nhưng chùa Long Đọi Sơn vẫn còn lưu giữa nhiều di vật quý đặc biệt là những di vật có niên đại từ thời Lý như tấm bia đá Sùng Thiện Diên Linh kích thước lớn rất đẹp được làm năm 1221; 6 pho tượng Thần nhân chống kiếm bằng đá thời Lý; pho tượng Di Lặc lớn bằng đồng...
Ngày nay mặc dù ngôi chùa cơ bản được xây lại mới nhưng vẫn có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Hàng năm hội chùa khai mở từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 3 Âm lịch với nhiều sinh hoạt văn hóa phong phú, lôi cuốn; du khách thập phương về đây không chỉ lễ bái cầu Phật phù hộ mà được đắm mình trong một vùng núi non tiên cảnh từ xưa đã được biết đến như một sự kì lạ của tạo hóa.
Nguồn: Sách Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Việt (NXB Thông tin và Truyền thông)