Chưa dứt nỗi ám ảnh kẹt xe trên cao tốc dịp nghỉ lễ
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày, thời điểm này nhiều người dân đang sinh sống, làm việc tại khu vực TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ ở tỉnh xa. Càng đến gần ngày nghỉ, nỗi lo kẹt xe trên các tuyến cao tốc ở khu vực cửa ngõ thành phố càng là mối bận tâm của nhiều người…
Là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã có lưu lượng ô tô đạt tới con số 55.000 lượt/ngày từ cách đây hơn 2 năm và được ghi nhận là cao tốc có lưu lượng xe cộ lớn nhất cả nước. Do đó, tình trạng kẹt xe cũng thường trực ở tuyến cao tốc này, nhất là ở nút thắt “cổ chai” cầu Long Thành cũng đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều lái xe.
Theo số liệu từ đơn vị quản lý, khai thác tuyến là VEC E, thì chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm nay trên tuyến đã xảy ra 41 vụ tai nạn hoặc va chạm giữa các phương tiện và 109 vụ xe hư hỏng ở khu vực cầu Long Thành. Trong khi đó, việc triển khai cứu hộ, di dời phương tiện khỏi hiện trường gặp nhiều khó khăn do lưu lượng xe lưu thông mật độ dày đặc. Tương ứng với với mỗi vụ va chạm giao thông hoặc xe hư hỏng này là một vụ kẹt xe dài ngắn khác nhau trên cao tốc.
Anh Ngô Quang Việt, một người dân ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, dịp lễ cả gia đình anh sẽ đi nghỉ ở Phan Thiết, đây cũng là phần thưởng vợ chồng anh dành cho các con trước khi bước vào năm học mới. Song nỗi ám ảnh của anh Việt là tình trạng kẹt xe hay xảy ra trên tuyến cao tốc này. Cũng giống như những lần trước, lần đi chơi xa này ngoài việc đổ đầy bình xăng xe và chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống trên xe, anh Việt không quên “thủ” thêm vài vỏ chai nước suối để lỡ không may bị dính kẹt xe trên cao tốc còn có chỗ mà “giải quyết nỗi buồn”. “Đi nghỉ ngơi mà cứ phải canh giờ đi, giờ về để tránh kẹt xe trên cao tốc cũng kém vui”, anh Việt than vãn.
Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong những dịp cao điểm, vào tháng 7 vừa qua các đơn vị liên quan đã họp, thống nhất đề xuất về phương án phân luồng từ xa và cấm xe tải lưu thông vào giờ cao điểm cuối tuần hay dịp lễ, Tết. Theo đó, khi có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, VEC E sẽ có trách nhiệm thông báo trên các bảng hướng dẫn điện tử lắp đặt trên tuyến và các phương tiện truyền thông. Cùng lúc sẽ đưa ra khuyến cáo phương tiện không đi vào đường cao tốc, lựa chọn cung đường khác phù hợp. Đơn vị này cũng có trách nhiệm phối hợp với Đội CSGT tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến hướng dẫn phân luồng phương tiện từ xa để tránh gây thêm áp lực phương tiện trên tuyến.
Các đơn vị chức năng cũng thống nhất đề xuất phương án cấm xe tải lưu thông trên cao tốc vào các ngày lễ, Tết và cấm theo giờ các ngày thứ 6, 7 với chiều từ TP Hồ Chí Minh đi Long Thành (Đồng Nai), ngày Chủ nhật từ hướng Long Thành về TP Hồ Chí Minh. Tuy vậy, theo nhiều người dân, họ chỉ biết thông tin này qua báo chí, còn có cấm xe tải vào cao tốc theo phương án trên hay không thì không thấy cơ quan nào công bố. Do đó, người dân vẫn phải dè chừng với tình trạng kẹt xe khi đi qua đây, nhất là trong dịp nghỉ lễ đang tới gần.
Để giải tỏa tình trạng ùn ứ phương tiện trên đường dẫn vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đầu tháng 7 vừa qua Sở GTVT cũng đã đề nghị Công an thành phố phối hợp với Cục CSGT nghiên cứu giải pháp điều tiết giao thông. Trong đó có các tình huống khi xảy ra ùn tắc trên cao tốc, ùn tắc khu vực nút giao An Phú và phương án phối hợp xử lý sự cố. Lý do khiến Sở GTVT đưa ra đề nghị này là hiện thành phố đang đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú, vị trí cửa ngõ của tuyến cao tốc. Trong điều kiện lưu thông bình thường, nút giao thông này đã quá tải phương tiện. Vào dịp nghỉ lễ, lượng phương tiện tăng cao khiến nút giao thông trên thường xuyên xảy ra ùn ứ xe cộ. Trong khi đó, những lúc xảy ra sự cố trên cao tốc, lực lượng CSGT sẽ chốt chặn tại đường dẫn cao tốc, không cho xe cộ từ nút giao thông An Phú đi vào cao tốc, phương tiện phải đồng loạt quay đầu về lại nút giao thông An Phú càng gây nên tình trạng ùn ứ kéo dài tại đây.
Những năm gần đây, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã không còn thu phí, từ đó lượng xe cộ lưu thông trên tuyến này ngày càng tăng cao. Kéo theo đó tai nạn giao thông gây ùn tắc phương tiện trên tuyến cũng gia tăng. Lưu lượng ô tô ra vào tuyến cao tốc này ở địa bàn TP Hồ Chí Minh quá lớn không chỉ gây áp lực lên cao tốc, mà còn gây quá tải cho cả tuyến đường dẫn vào cao tốc. Do tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt vào đường dẫn cao tốc chưa làm xong nên xe cộ qua lại khu vực này còn gây áp lực ùn tắc cho một đoạn dài trên tuyến quốc lộ 1. Từ đó lưu thông từ TP Hồ Chí Minh về khu vực miền Tây và ngược lại dịp nghỉ lể không chỉ là áp lực đối với lái xe mà còn cả với những người ngồi trên xe.
Dù phải trả khoản tiền phí không nhỏ, nhưng nhờ rút ngắn được thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về khu vực miền Tây nên lưu lượng xe cộ lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng không ngừng gia tăng. Theo thông tin từ Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, chỉ một thời gian ngắn sau khi được đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này đã đạt trung bình khoảng 23 nghìn lượt xe/ngày đêm. Doanh nghiệp chủ đầu tư tuyến cao tốc này đã từng phải đưa ra khuyến cáo: Lưu lượng xe về miền Tây ngày càng tăng cao, tuyến cao tốc trên ngay sau khi khai thác sẽ đối mặt với nguy cơ không đáp ứng được lưu lượng thực tế trong thời gian tới nên cần sớm có dự án mở rộng.
“Phương tiện quá đông, trong khi tốc độ tối đa cho phép khi lưu thông trên tuyến cao tốc này chỉ là 90km/h. Tuyến cao tốc này lại chỉ có 2 làn đường mỗi chiều, nên chạy xe trên tuyến không phải lúc nào tài xế cũng có thể tính toán được thời gian di chuyển theo lý thuyết, nhất là vào những ngày nghỉ lễ sắp tới” - ông Trí Hà, một tài xế thường xuyên đi lại trên tuyến cao tốc này chia sẻ.