Chưa được chấp thuận, huyện ở Bình Định ký giấy đưa 44 cây khỏi rừng trái phép

Ngày 7/4, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định khẳng định, chưa có một văn bản nào đồng ý cho UBND huyện Vĩnh Thạnh đưa 44 cây ra khỏi rừng và đi trồng cảnh quan.

Video: Những cây bằng lăng cổ thụ tại Bình Định khai thác không đúng phương án

Không đem giấy tờ vẫn qua 2 chốt kiểm lâm

Khi sự việc Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh trúng đấu giá khai thác 25,62 ha rừng tự nhiên và được khai thác tận dụng gỗ bằng phương án chặt hạ, cắt khúc, nhưng lại đào nguyên cây cổ thụ sống đem bán hàng trăm triệu đồng chưa ngã ngũ thì ngày 29/3, 44 cây cổ thụ lại được doanh nghiệp này "đào nguyên gốc" chở ra khỏi rừng.

Theo tài liệu phóng viên có được, ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh là người ký xác nhận vào Bảng kê lâm sản cho phép Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh khai thác 44 cây nguyên gốc mang đi bán trồng cảnh quan.

Trong 44 cây khai thác nguyên gốc có 42 cây bằng lăng, 1 cây trâm và 1 cây cà te thuộc nhóm quý hiếm.

Chiều 29/3, Công an huyện Vĩnh Thạnh đã tạm giữ 2 xe tải đầu kéo khi đang trong quá trình vận chuyển cây từ khu vực khai thác phục vụ Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 xuống theo hướng về trung tâm huyện do không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lâm sản.

Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, trên 2 xe tải đầu kéo được bịt kín mít lúc này đang vận chuyển 6 cây bằng lăng rừng “khủng” còn nguyên cả gốc rễ, toàn bộ cây đều có kích thước lớn.

Văn bản đề nghị khai thác của Công ty TNHH Vĩnh Thạnh và bảng kê lâm sản có xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho phép doanh nghiệp chuyển 44 cây nguyên gốc ra khỏi rừng.

Văn bản đề nghị khai thác của Công ty TNHH Vĩnh Thạnh và bảng kê lâm sản có xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho phép doanh nghiệp chuyển 44 cây nguyên gốc ra khỏi rừng.

Tại thời điểm tạm dừng phương tiện để kiểm tra, cả hai tài xế điều khiển 2 phương tiện trên đều không xuất trình được giấy tờ hợp pháp cho số cây nói trên”, đại diện Công an huyện Vĩnh Thạnh cho biết.

Khi được hỏi, chủ phương tiện cho biết, số cây bằng lăng trên được doanh nghiệp thuê vận chuyển lên thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Khi đến khu vực trung tâm hành chính huyện Vĩnh Thạnh, xe này bị cơ quan chức năng tạm giữ vì không có giấy tờ. Lúc này tài xế mới gọi cho chủ cây để mang giấy tờ cung cấp cho lực lượng chức năng.

Trong ngày 29/3, 2 phương tiện được tiếp tục hành trình vận chuyển.

Ngày 7/4, trả lời PV Báo điện tử VTC News, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định khẳng định, Sở đã yêu cầu UBND huyện Vĩnh Thạnh cho doanh nghiệp khai thác đúng theo quy trình ban đầu và đến thời điểm hiện tại, Sở và UBND tỉnh chưa có văn bản nào đồng ý cho doanh nghiệp khai thác cây phục vụ cảnh quan.

Những cây bằng lăng rừng "khủng" còn nguyên gốc bị lực lượng chức năng tạm giữ ngày 29/3.

Những cây bằng lăng rừng "khủng" còn nguyên gốc bị lực lượng chức năng tạm giữ ngày 29/3.

Hạt trưởng Kiểm lâm nói do "lực lượng chủ quan"

Trước đó UBND và Hạt Kiểm lâm huyện đã tổ chức kiểm tra việc khai thác và từ đó cho rằng việc khai thác cây của doanh nghiệp là đúng với pháp luật. Nếu doanh nghiệp làm sai thì doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm. Nếu có dấu hiệu thất thoát ngân sách nhà nước vậy tại sao UBND tỉnh Bình Định không có văn bản yêu cầu dừng khai thác?”, ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh khẳng định.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cũng cho biết, ngày 28/3, Hạt Kiểm lâm huyện đã ký xác nhận cấp phép cho ông Phan Công Chuẩn - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thạnh vận chuyển 44 cây cổ thụ ra khỏi rừng. Vậy nhưng, ngày 29/3, khi xe chở 44 cây này bị công an huyện yêu cầu dừng xe để kiểm tra nguồn gốc lâm sản thì lái xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan.

Thêm nữa, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực khai thác cây rừng của doanh nghiệp, muốn vận chuyển cây xuống tới huyện chỉ có 2 con đường là qua xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Kim.

Cả hai con đường trên đều có chốt chặn của lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, nhưng theo tài xế xe tải: “Đi từ trên đấy xuống tới đây (trung tâm hành chính huyện Vĩnh Thạnh- PV) không ai hỏi gì cả”.

Vì bãi tập kết cây khai thác của Công ty TNHH Vĩnh Thạnh bị bên Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 thu hồi nên doanh nghiệp đã xin phép vận chuyển cây về bãi của mình dưới huyện. Chúng tôi ký rồi và có thông báo nội bộ nên lực lượng chủ quan không ai kiểm tra”, ông Quang giải thích.

3 gốc bằng lăng "khủng" nhất tại rừng Vĩnh Thạnh đã được doanh nghiệp "bế đi".

3 gốc bằng lăng "khủng" nhất tại rừng Vĩnh Thạnh đã được doanh nghiệp "bế đi".

Trước đó, ngày 28/3, thông tin tới phóng viên, ông Quang cũng cho biết: “Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh có xác nhận cho doanh nghiệp khai thác tận dụng một số cây lòng hồ về trồng cảnh quan trong địa bàn".

Về việc Hạt Kiểm lâm khẳng định "doanh nghiệp chuyển cây về bãi tập kết dưới huyện" "chỉ xác nhận cho doanh nghiệp tận dụng cây làm cảnh quan trong địa bàn” nhưng tài xế xe tải đầu kéo lại cho biết được hợp đồng vận chuyển cây đi thị xã An Khê (Gia Lai), ông Quang nói: “Doanh nghiệp nếu mua bán cây rừng phải có hóa đơn và xác nhận của Hạt Kiểm lâm. Nếu cây được vận chuyển tới huyện khác, hoặc tỉnh khác thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm”.

Những cây bằng lăng còn lại tại khoảnh rừng khai thác phục vụ Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4.

Những cây bằng lăng còn lại tại khoảnh rừng khai thác phục vụ Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh chưa có văn bản trả lời về việc cho phép khai thác cây trong vùng dự án để trồng cảnh quan thì huyện Vĩnh Thạnh và Hạt Kiểm lâm huyện vẫn ký giấy xác nhận để doanh nghiệp bứng cây nguyên gốc vận chuyển ra khỏi rừng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng "chỉ xác nhận cho doanh nghiệp tận dụng cây làm cảnh quan trong địa bàn”, "chỉ đồng ý cho doanh nghiệp chuyển cây về bãi tập kết dưới huyện", nhưng tài xế vận chuyển 44 cây rừng lại nói được doanh nghiệp thuê vận chuyển cây đi thị xã An Khê (Gia Lai).

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, Sở có yêu cầu UBND huyên Vĩnh Thạnh xây dựng lại phương án khai thác ban đầu vì phương án “chặt hạ, cắt khúc” cây rừng đã không hợp lý ngay từ đầu.

Đúng hay sai trong việc khai thác cây không đúng quy trình như thế chúng tôi sẽ chờ báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh và sẽ kiểm tra lại. Nếu xây dựng lại quy trình khai thác thì buộc phải đấu giá lại hơn 25 ha rừng làm Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4”, ông Phúc cho hay.

Phóng viên VTC News liên hệ đặt lịch làm việc và đặt câu hỏi với ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định về vấn đề này nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Nguyễn Gia

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chua-duoc-chap-thuan-huyen-o-binh-dinh-ky-giay-dua-44-cay-khoi-rung-trai-phep-ar863354.html
Zalo