Chưa đưa cựu công an nhân dân vào đối tượng được ngân sách chi trả bảo hiểm y tế

Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (dự án Luật) đã được chỉnh lý sau khi tiếp thu 137 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB), vừa được báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần cuối trước khi trình Quốc hội thảo luận tại hội trường trong đợt 2 kỳ họp thứ 8.

“Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý trên tinh thần quán triệt các nguyên tắc chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, tiếp thu tối đa các ý kiến phù hợp, khả thi của ĐB và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), để đồng bộ với các luật hiện hành, dự thảo bổ sung các đối tượng là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua, bán người (dự kiến cũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này); bổ sung việc mua thẻ BHYT cho đối tượng này trong năm đầu tiên.

Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; quy định rõ tại nội dung sửa đổi khoản 5, điều 12 của Luật về nhóm tự đóng BHYT bổ sung trường hợp “người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng”…

Về tham gia BHYT của đối tượng học sinh, sinh viên, luật hiện hành đã quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến của cử tri trên cả nước và đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cho phép học sinh, sinh viên có thể tham gia theo hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng cao hơn mức hỗ trợ hiện tại, đặc biệt đối với các đối tượng thuộc gia đình đông thành viên.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế khi trình dự thảo Luật đã có quy định để học sinh, sinh viên được lựa chọn tham gia BHYT theo nhóm 4 hoặc nhóm 5 để bảo đảm linh hoạt. Việc quy định lựa chọn linh hoạt sang hộ gia đình còn giúp khuyến khích những người đang không tham gia sẽ đóng theo hộ gia đình cùng học sinh sinh viên để được giảm trừ mức đóng, như vậy lại tăng được thêm đối tượng lâu nay không tham gia.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Tuy nhiên, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội và một số ĐB đề nghị không quy định việc lựa chọn linh hoạt giữa nhóm 4 và nhóm 5 mà nên tăng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Bộ Y tế nhận thấy nếu tăng mức hỗ trợ lên 5% thì ngân sách nhà nước sẽ tăng chi khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất giữ nguyên quy định hiện hành.

Về thời điểm có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị, để tương thích với Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, nhiều nội dung trong luật này cần có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 nên nghị định hướng dẫn cần được xây dựng, ban hành theo thủ tục rút gọn.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đề nghị rà soát những đối tượng được hưởng ưu đãi cũng như phương thức thu để đảm bảo chính sách được vận hành êm thuận trong cuộc sống.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội thông qua dự thảo luật trong đợt 2 của kỳ họp này.

“Riêng ý kiến đề xuất đưa đối tượng cựu công an nhân dân vào đối tượng được ngân sách chi trả BHYT, do chưa có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng nên chưa vào luật lần này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ. Về BHYT đối với học sinh, sinh viên, đánh giá cao tỷ lệ “phủ” bảo hiểm tới 99%, song Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chua-dua-cuu-cong-an-nhan-dan-vao-doi-tuong-duoc-ngan-sach-chi-tra-bao-hiem-y-te-post768416.html
Zalo