Chùa Cực Lạc - kỳ quan Phật giáo Malaysia

Ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự được lấy cảm hứng từ Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên (妙蓮法師, 1844-1907), trụ trì Quảng Phúc Cung (廣福宮), Penang, một bang tại Malaysia

Tác giả: Thích Vân Phong

Ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự (tiếng Malaysia: Tokong Kek Lok Si/Kuil Kek Lok Si), danh xưng đầy đủ là Hạc San Cực Lạc Thiền Tự (鶴山極樂禪寺, Heshan Kek Lok Si), tọa lạc ở Air Itam, Penang, Malaysia, ngôi Đại Già lam là Kỳ quan Phật giáo của Malaysia.

Ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự, được kiến tạo vào năm 1891 (năm Tân Mão), hoàn công toàn diện vào năm 1904 (năm Giáp Thìn). Ngôi già lam cổ tự nằm gần núi và biển, với diện tích 120.000 m2. Đây là ngôi cổ tự với tầm vóc quy mô vĩ đại nhất, do cộng đồng người Hoa sáng lập và kiến trúc nguy nga tráng lệ nhất ở Malaysia và thậm chí là cả ở Đông Nam Á. Ngôi cổ tự này xứng danh “Thế Giới Tây Phương Cực Lạc” (西方極樂世界).

Việc thi công hoàn thành ngôi cổ tự, đánh dấu sự phát triển và đạt tiêu chí của Phật giáo Hán truyền Trung Hoa ở Đông Nam Á, đóng vai trò bắt nhịp cầu nối giữa văn hóa nhân gian người Hán quốc nội và người Hoa ở nước ngoài.

Mỗi khi màn đêm buông xuống trong dịp Lễ hội mùa xuân, ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự tổ chức Lễ hội Hoa đăng mừng tân niên xuân mới thường niên, thu hút người dân bản xứ, phật tử và người nước ngoài đến hành hương chiêm bái.

Địa điểm quả núi này, nơi có ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự (Kek Lok Si Temple) ở bang Penang có hình dáng giống một con hạc bay nên được đặt tên là: “Núi hạc” (鶴山). Ngôi cổ tự có các tòa nhà đầy màu sắc được xếp thành hàng, hầu hết được kiến trúc bằng đá hoa cương (đá granit). Các tòa kiến trúc nổi bật chính là Tháp Vạn Phật (萬佛塔) bảy tầng và Quán Âm các (觀音閣) hình bát giác.

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Lịch sử (歷史)

Ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự được lấy cảm hứng từ Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên (妙蓮法師, 1844-1907), trụ trì Quảng Phúc Cung (廣福宮), Penang, một bang tại Malaysia. Khi còn trẻ Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên thường xuất ngoại kinh doanh thương mại và Ngài xuất gia ở tuổi 32 xuân. Ngài xuất thân từ Cổ Sơn Dũng Tuyền Tự (鼓山湧泉寺) còn gọi là Thiền viện Cổ Sơn Bạch Vân Phong Dũng Tuyền (鼓山白雲峰湧泉禪院), Phúc Châu, tỉnh lỵ của tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa.

Năm 1885 (năm Ất Dậu), Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên đến bang Penang, Malaysia để gây quỹ kiến tạo Pháp đường Quy Sơn (龜山法堂), Phúc Kiến. Hai năm sau, Ngài được tín nhiệm cung thỉnh ngôi vị trụ trì Quảng Phúc Cung.

Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên rất ấn tượng với phong tục trung thực của cộng đồng người Hoa hải ngoại ở địa phương. Tuy nhiên, vì Quảng Phúc Cung ở khu vực thành thị nhỏ và đông đúc, xung quanh không có Tùng lâm Hán truyền, nên Ngài muốn tìm một nơi yên tĩnh để tuyên dương Diệu Pháp Như Lai, truyền bá giáo lý quý báu của đức Phật, cuối cùng Ngài đã tìm thấy “Núi hạc” (鶴山), Air Itam, bang Penang, Malaysia.

Sau đó, Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên đã quyên góp quỹ từ hơn 170 thị trấn ở Đông Nam Á để kiến tạo ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự.

Theo ghi chép, có 6 doanh nhân Trung Hoa đã đứng ra vận động trợ duyên tài chính như các vị cư sĩ Trương Thí sĩ, cư sĩ Trương Dục Nam, cư sĩ Tạ Vinh Quang, cư sĩ Đới Hỷ Vân và cư sĩ Trịnh Cảnh Quý từng là Tổng lý ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự.

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Năm 1889 (năm Kỷ Sửu), Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên mua khoảng 3,65 ha đất do cư sĩ Dương Tú Miêu, một Hoa kiều gốc Phúc Kiến. Năm 1891 (năm Tân Mão), Ngài kiến tạo điện Đại Sĩ (大士殿) với vật liệu xây dựng bằng gỗ. 5 năm sau, Ngài xây thêm Thiên Vương điện (天王殿), Đại Hùng điện (大雄殿), Tàng Kinh các (藏經閣), Đông Tây Khách đường (東西客堂) và Phóng Sinh trì (放生池), Ao phóng sinh).

Năm 1900 (năm Canh Tý), biến cố Canh Tý, Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (義和團運動) nổi dậy đặt dấu chấm hết cho triều đại Mãn Thanh, mở đầu cho sự thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Bát Quốc Liên Quân (八國聯軍), liên minh của tám quốc gia đế quốc nhằm chống lại sự nổi dậy của phong trào Nghĩa Hòa Đoàn tập kích vào các sứ quán của 8 quốc gia này ở Trung Quốc gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Áo-Hung đã chiếm được Bắc Kinh, buộc vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh, vua Quang Tự (光緒帝, 1871-1908) và Thái hậu Từ Hy (慈禧皇太后, 1833-1908) phải chạy trốn về Tây An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).

Sau cuộc đàm phán của đại thần triều đình nhà Thanh, Lý Hồng Chương (李鴻章; 1823–1901), triều đình nhà Thanh buộc phải ký Hiệp ước bất bình đẳng (不平等條約) và Hiệp ước Tân Sửu (辛丑條約, 1901) hay Nghị định thư Bắc Kinh (北京議定書) buộc nhà Thanh phải xử tử các quan lại ủng hộ Nghĩa Hòa đoàn, cung cấp cho binh lính ngoại quốc đóng tại Bắc Kinh, bồi thường chiến phí 67 triệu bảng Anh (tương đương với 450 triệu lạng bạc), tức nhiều hơn tiền thuế của triều đình trong một năm, trả trong 39 năm cho liên minh 8 nước.

Đương thời, trưởng lão Pháp sư Diệu Liên thể hiện phong cách của một nhà sư Phật giáo phụng đạo, yêu nước, đã phát tâm quyên góp hàng chục nghìn đồng Nguyên của Trung Hoa, dâng hiến cho Chính phủ triều đại nhà Thanh.

Năm 1904 (năm Giáp Thìn), Ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự đã hoàn thành thi công toàn diện. Năm 1905 (năm Ất Tỵ), Thái hậu Từ Hy triệu thỉnh Pháp sư Diệu Liên về thủ đô Bắc Kinh và được trao cho hai báu vật, “Càn Long - Đại Tạng Kinh” (乾龍大藏經), chiếc áo cà sa màu tím, biểu tượng của đạo pháp, của nhà tu hành và “Khâm mệnh Phương trượng” (欽命方丈), “Phụng chỉ hồi sơn” (奉旨回山) loan giá, ban giải thưởng Ngân bài và tấm biển ngạch do Thanh triều, Hoàng đế Quang Tự ngự tứ đề tự: “Đại Hùng Bảo Điện” (大雄寶殿) và Thái hậu Từ Hy ban tặng “Hải Thiên Phật Địa” (海天佛地) hiện đang trưng bài tại Cực Lạc cổ tự.

Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên khai sơn và trụ trì đầu tiên ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự và hai năm sau đó, Ngài viên tịch từ giã trần gian. Pháp sư Bản Trung kế thừa đệ nhị trụ trì Cực Lạc cổ tự.

Năm 1930 (năm Canh Ngọ), chính thức hoàn thành Vạn Phật Bảo Tháp 7 tầng. Thiết kế Bảo Tháp được kết hợp với các nền văn hóa khác nhau. Các yếu tố Trung Quốc, Thái Lan và Miến Điện được tìm thấy trong kiến trúc của chùa là một biểu tượng của hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa. Chùa Cực Lạc nổi tiếng với những khu vườn gọn gàng và hồ ao đẹp. Tổng hợp theo phong cách của ba quốc gia như trên đã nêu.

Năm 2002, xây dựng tượng Quán Âm lộ thiên, bức tượng được đúc bằng đồng cao 30,2 mét.

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Báu vật triều đình nhà Thanh

Phóng Sinh trì (Ao phóng sinh) trong khuôn viên Cổ Tự Kek Lok Si (Cực Lạc Tự), được chạm khắc phù điêu những bài thơ của các triều đại nhà Thanh, mang tính nhân văn và cách mạng của Trung Quốc. Những tác phẩm có những tiêu đề như “Vật Vong Cố quốc-勿忘故国”. . . rất tiếc một số bài thơ do sức chịu đựng với phong sương tuế nguyêt và đã bị xói mòn, có một số chữ không thể đọc được. Bên trong Chính điện có tấm Biển ngạch do Thanh triều, Hoàng đế Quang Tự ngự tứ đề tự: “大雄寶殿” (Đại Hùng Bảo điện). Và được Thái Hậu Từ Hy ban Biển ngạch đề tả: “海天佛地” (Hải Thiên Phật Địa).

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Kek Lok Si cổ tự. Ảnh: st

Lễ hội

Một ngôi Đại Già lam Phật giáo quan trọng nhất tại Penang, là nơi tổ chức một số lễ hội trong suốt cả năm. Đẹp nhất trong số đó là lễ hội mừng Tết Nguyên Đán. Trong 33 ngày đầu tiên của năm, ngôi Đại Già lam như tràn ngập trong một biển sắc màu và ánh sáng. Các đoàn diễu hành với trang phục sặc sỡ, đèn lồng và ca múa nhạc sẽ mang đến sự thú vị cho du khách thập phương hành hương.

Tiểu sử “Khâm mệnh Phương trượng” Trưởng lão Pháp sư Diệu Liên (1844-1907)

Trưởng lão Diệu Liên họ Phùng, húy Địa Hoa, sinh năm Giáp Thìn (1844), nguyên quán tại huyện Minh Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Năm Nhâm Tuất (1862), niên hiệu Đồng Trị nguyên niên, vừa tròn 18 tuổi xuân, Ngài ý thức được giá trị của một Tăng sĩ Phật giáo đối với việc hoằng pháp lợi sinh, và đến Khai Bình Tự, thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến đảnh lễ Hòa thượng Phương trượng Trụ trì xin cầu thế độ xuất gia, từ đó Ngài được đạo hiệu Diệu Liên.

Sau đó, Ngài đến Tổ đình Cổ Sơn Dũng Tuyền Tự, tỉnh Phúc Châu để cầu pháp tu học.

Năm Quý Mùi (1883), niên hiệu Quang tự năm thứ 9, Ngài đảm trách Trụ trì Tổ đình Cổ Sơn Dũng Tuyền Tự, tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc.

Năm Ất Dậu (1885), niên hiệu Quang Tự năm thứ 11, Ngài xuất dương vân du hoằng pháp các nước Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Myanmar. Số tiền đã nhận được từ sự cung kính cúng dường của đàn việt thí chủ, Ngài sung vào việc trùng tu Tổ Tổ đình Cổ Sơn Dũng Tuyền Tự, trùng tu Quy Sơn Pháp đường, Hồi Long các.

“Phóng sinh trì” (Ao Phóng sinh), Ngài viết Thư pháp đề bốn chữ “Hồi Đầu Thị Ngạn” (回头是岸).

Năm Đinh Hợi (1887), niên hiệu Quang Tự năm thứ 13, Ngài hợp tác với các vị Cổ Nguyệt, Đạt Bổn hưng kiến các Danh lam Cổ tự như Sùng Phúc Tự, tỉnh Phúc Châu, Lâm Dương Tự, Tuyết Phong Sùng Thánh Thiền Tự. . .

Năm Mậu Tý (1888), niên hiệu Quang Tự năm thứ 14, giới nhân sĩ trí thức Hoa kiều cung thỉnh Ngài Trụ trì Quảng Phúc cung, Malaysia.

Từ đây, giới Hoa kiều tại Malaysia, có một vị Pháp sư thường tuyên dương Diệu pháp Như Lai, giảng dạy Phật pháp tại Quảng Phúc Cung. Cơ sở thờ tự tín ngưỡng tâm linh tại trung tâm Thành phố quyên náo, bất tiện cho việc phát triển Thiền pháp, Ngài mới bắt đầu nghĩ đến việc tìm nơi yên tĩnh để xây dựng Già lam Phật địa. Và cuối cùng được như ý nguyện, Ngài đã xây dựng ngôi đại già lam Cực Lạc cổ tự (Kek Lok Si) tại Malaysia với khu đất tổng diện tích 12 ha.

Năm Tân Sửu (1901), niên hiệu Quang Tự thứ 27, Sau cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn thất bại chính phủ Thanh triều đã cùng các nước đế quốc ký kết “Điều ước Tân Sửu” đưa dân tộc Trung Hoa đến hoàn cảnh vô cùng đen tối bởi hành vi tội ác của các giáo sĩ ngoại quốc.

Hình thức đấu tranh của quần chúng nhân dân và Nghĩa Hòa Đoàn ở Sơn Đông từ đầu đến cuối chủ yếu là chống lại Giáo hội ngoại quốc. Điều này nói với chúng ta, sự xâm nhập của Giáo hội ngoại quốc, những Giáo sĩ nước ngoài đã trở thành một thế lực tội ác trong xã hội ở Sơn Đông, là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy Nghĩa Hòa Đoàn ở đây bùng nổ.

Trung Quốc cận đại việc du nhập Cơ Đốc giáo được tiến hành đồng bộ với việc nửa thực dân nửa phong kiến hóa xã hội Trung Quốc. Bọn thực dân đã coi tôn giáo là công cụ đắc lực, là người mở đường cho chúng tiến hành chính sách xâm lược, các giáo sĩ truyền đạo được dùng để thực hiện các mục đích chính trị và kinh tế. Đặc quyền của các giáo sĩ truyền đạo ở Trung Quốc được bảo vệ bởi những quy định trong các điều ước bất bình đẳng, đã trở thành một thế lực đặc biệt trong xã hội Trung Quốc cận đại.

Năm Canh Tý (1900), toàn tỉnh Sơn Đông có 108 châu, huyện thì 72 châu, huyện có 27 nhà thờ. Thế lực xâm lược giáo hội khổng lồ này đã mang đến cho nhân dân Trung Quốc, những hậu quả to lớn, những hành vi tội ác của các Giáo sĩ truyền đạo ở Sơn Đông đã khởi xướng sự phát triển của cuộc đấu tranh chống ngoại giáo.

Các giáo sĩ truyền đạo trong cuộc đấu tranh giành thế lực ở Trung Quốc đã có tác động ảnh hưởng rất xấu. Giáo sĩ truyền đạo của Hội Thánh ngôn Thiên Chúa giáo đã đem hết khả năng giúp nước Đức chiếm Giao Châu Loan, làm quần chúng tức giận cao độ, nó trực tiếp dẫn tới sự bùng nổ của cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn.

Việc các Giáo sĩ truyền đạo nhúng tay vào quan trường Trung Quốc, can thiệp vào nội chính Trung Quốc cuối thế kỷ 19 đã không còn là chuyện lạ, ở Sơn Đông cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí còn trầm trọng hơn. An Trị Thái thậm chí còn được hai phần thưởng, bằng vai với quan đốc phủ, công khai ra lệnh cho quan lại địa phương các cấp phục tùng chỉ thị của nhà thờ. Không ít các Giáo sĩ truyền đạo của Thánh ngôn hội còn thường xuyên dọa dẫm quan phủ, áp bức nhân dân. Nhiều nhà thờ còn xây dựng lực lượng vũ trang phản động, như Võ Thành Thập Nhị Lý trang, Vũ Thành Hàn trang, Bình Âm Bạch Vân Dụ, … bình quân mỗi nhà thờ có hơn trăm cây súng, trong đó có cả súng lớn. Gáo sĩ truyền đạo còn câu kết và nâng đỡ cho các thế lực của địa chủ ác bá để cùng hà hiếp nhân dân.

Đau lòng trước thảm cảnh “Quốc gia hữu trách Tăng lữ hữu trách”, Pháp sư Diệu Liên đã quyên góp hàng chục nghìn ngân lượng để dâng hiến cho Triều đình nhà Thanh khắc phục những khó khăn nhất của giai đoạn Tổ quốc lâm nguy.

Năm Quý Mão (1903), niên hiệu Quang Tự thứ 28, Ngài giao trách nhiệm Trụ trì Tổ đình Dũng Tuyền Tự lại cho Pháp sư Cổ Nguyệt kế nhậm. Sau đó, Ngài hương kiến Tổ đình Quy Sơn Tự, đồng thời Phúc Châu Bạch Tháp, Chương Châu Nam Sơn Tự, những Danh lam thắng tích này đều do tâm huyết của Ngài trong việc Trùng tu.

Năm Ất Tỵ (1905), niên hiệu Quang Tự năm thứ 30, Từ Hy Thái hậu, Quang Tự Hoàng đế ban Biểu chương cho Ngài với tinh thần chủ nghĩa Ái Quốc, đặc biệt triệu thỉnh Ngài về Kinh. Từ Hy Thái Hậu, Quang Tự Hoàng đế kính trọng và ban ngự tứ “Long Tạng” (Tang Tạng Kinh) 168 quyển. Ngài được triều đình tôn vinh bậc Cao Tăng, và thường gọi là “Khâm Mệnh Phương Trượng”. Trong năm này, Ngài cung thỉnh tôn tượng Phật Nhập Niết Bàn bằng ngọc nặng (2 Đốn) 2 tấn, và được tôn trí thờ phụng tại Châu Chương Nam Sơn Tự.

Ta bà quả mãn, hóa duyên ký tất, Ngài an nhiên xả báo thân viên tịch tại Ngôi Cổ Tự Kek Lok Si (Cực Lạc Tự) vào năm Đinh Mùi (1907), niên hiệu Quang Tự năm thứ 33. Hưởng thọ 61 xuân.

Kế nhiệm Trụ trì đời thứ 2 Ngôi Cổ Tự Kek Lok Si (Cực Lạc Tự) là Pháp sư Bản Trung, đệ tử chân truyền của Ngài.

Đại lão Thiền sư Hư Vân (1840-1959) sáng tác một bài thơ thân tặng Pháp sư Diệu Liên được khắc lưu tại Ngôi Cổ Tự Kek Lok

Si:

琳瑯極樂新成寺,

傑閣層樓碧映紅,

檐卜花開香霧裏,

菩提樹在白雲中;

說來有法原無法,

參透非空卻是空,

最愛僧房閒坐處,

一窗明月半簾風.

Dịch âm:

Lâm lang cực nhạc tân thành tự,

Kiệt các tằng lâu bích ánh hồng,

Thiềm bốc hoa khai hương vụ lý,

Bồ đề thụ tại bạch vân trung;

Thuyết lai hữu pháp nguyên vô pháp,

Tam thấu phi không khước thị không,

Tối ái tăng phòng nhàn tọa xứ,

Nhất song minh nguyệt bán liêm phong.

Thiền sư Duy Lực (1923-2000) đã thọ giới tại chùa Cực Lạc

Tháng 05 năm 1974 (Bính Thìn), Thiền sư Thích Duy Lực (1923-2000) người Việt Nam đã thọ giới Tam Đàn Cụ Túc (chính thức bước vào đời sống của bậc thánh) tại Chùa Cực Lạc Malaysia.

Sau khi thụ giới, Thiền sư Thích Duy Lực lưu lại nơi này 100 ngày học giới Tỳ kheo, giới Bồ tát và học tác pháp Yết ma (hành động hay tác pháp; nói cho đủ là tác pháp biện sự, nghĩa là lập thủ tục để giải quyết một sự việc).

Tác giả: Thích Vân Phong

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-cuc-lac-ky-quan-phat-giao-malaysia.html
Zalo