Chùa Bối Khê và Tháp Bà Ponagar được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17.1 xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích, trong đó có 2 di tích kiến trúc nghệ thuật là chùa Bối Khê (Hà Nội) và tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa).

Chùa Bối Khê (Đại Bi tự) tọa lạc tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những ngôi chùa lớn và cổ tại Thủ đô, được xây dựng cách đây gần 700 năm.

Chùa Bối Khê được khởi dựng từ thời Trần (năm 1338), với diện tích khoảng 5.000m2, xây dựng theo lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” và “tiền Phật, hậu Thánh”, bao gồm các hạng mục: đền Đức Ông, vườn tháp, Ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia - sắp lễ, chùa Phật, điện Thánh, nhà Tổ - nhà Mẫu và nhà khách.

 Chùa Bối Khê. Nguồn: dangcongsan.vn

Chùa Bối Khê. Nguồn: dangcongsan.vn

Chùa cổ Bối Khê là một điển hình của dạng chùa cụm Đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc, mở rộng theo tuyến ngang, một nét mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện từ thời Trần.

Hậu cung thờ Đức Thánh Bối là điểm nhấn kiến trúc, điêu khắc ở chùa cổ Bối Khê. Hậu cung kiểu kiến trúc hai tầng tám mái bằng gỗ, lưu giữ nhiều giá trị trong nghệ thuật chế tác, xây dựng kiến trúc cổ của Việt Nam. Những mảng chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây…

Trải qua gần 700 năm lịch sử, qua nhiều đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn, đến nay, chùa Bối Khê còn giữ được khá nhiều dấu tích từ ngày khởi dựng. Chùa Bối Khê đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979 và nay Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bối Khê được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Cũng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt này là Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tháp Bà Ponagar Nha Trang gắn liền với điểm du lịch Vương quốc Chămpa. Tại đây, du khách có thể khám phá những công trình kiến trúc tuyệt đẹp của thời kỳ Hindu giáo.

 Tháp Bà Ponagar. Nguồn: baochinhphu.vn

Tháp Bà Ponagar. Nguồn: baochinhphu.vn

Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.

Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ).

Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử...

Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23m, là tháp Ponagar.

Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.

5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này, ngoài chùa Bối Khê và Tháp Bà Ponagar còn có: Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Xám (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); Di tích lịch sử Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng); Di tích lịch sử Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An, thành phố Hải Phòng).

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hà Hương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chua-boi-khe-va-thap-ba-ponagar-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-post402511.html
Zalo