Chú trọng truyền thông, kéo tình trạng đuối nước trẻ em về con số không

Ngày 10/10, Cục trẻ em phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn Nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em tại tỉnh Bình Dương.

Tập huấn Nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em. (Ảnh: KHẢ BÍCH)

Tập huấn Nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em. (Ảnh: KHẢ BÍCH)

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đuối nước là một vấn đề xã hội nóng hiện nay, do đó Bộ cũng như các cơ quan chức năng xác định mục tiêu lớn nhất trong công tác truyền thông là kéo tình trạng đuối nước ở trẻ em về con số không.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng năm 2020 tại Việt Nam có gần 2.000 ca tử vong do đuối nước, được coi là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm người từ 1-24 tuổi tại Việt Nam.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, toàn cầu có hơn 300.000 trường hợp bị đuối nước, trong đó, nam giới có nguy cơ bị đuối nước cao gấp hai lần nữ giới.

Hơn 90% các ca tử vong do đuối nước xảy ra chủ yếu tại các nước có mức thu nhập trung bình và thấp.

Nguyên nhân đuối nước do các yếu tố tự nhiên như thiên tai, lũ lụt và việc trẻ em chơi ở gần nước nhưng thiếu sự giám sát của người lớn trong khi các em thiếu kỹ năng bơi, thiếu an toàn trong môi trường nước hoặc sử dụng phương tiện giao thông đường thủy nhưng không bảo đảm an toàn, thiếu biện pháp bảo hộ…

Truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật WHO tại Việt Nam đã chia sẻ hướng dẫn của WHO và kinh nghiệm quốc tế về việc phòng, chống đuối nước.

Qua đó, truyền tải thông điệp “Đuối nước hoàn không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đuối nước là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được”.

Từ thực trạng nêu trên, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị 4 chiến lược và 6 biện pháp can thiệp để phòng ngừa đuối nước, trong đó, tập trung vào việc bảo đảm các cơ chế từ những quốc gia đưa ra để có một phương pháp tiếp cận, phối hợp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng đuối nước.

Tại chương trình, các nhà báo đã cùng thảo luận về các vấn đề, góc nhìn hay những khó khăn trong việc xây dựng ý tưởng, thông điệp, câu chuyện truyền thông cho các bài viết về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, truyền thông tốt về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước ở trẻ em sẽ góp phần định hướng xã hội chú trọng việc tăng cường kiểm soát để hướng đến mục tiêu giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông.

Đồng thời, ông Nam mong muốn thông qua truyền thông có thể tiếp cận và truyền tải thông tin đến được nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, mang đến những khóa học kỹ năng an toàn với cộng động và xã hội.

QUÝ HIỀN

KHẢ BÍCH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-trong-truyen-thong-keo-tinh-trang-duoi-nuoc-tre-em-ve-con-so-khong-post836031.html
Zalo