Chú trọng tổ chức bầu cử, theo sát quá trình triển khai ở địa phương

Sáng 21/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Giữ các bước trong quy trình thủ tục bầu cử là cần thiết

Các ĐBQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan để thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và hệ thống chính trị; thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) khẳng định, đây là một bước tiến lớn thể hiện quyết tâm trong việc tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực và rút ngắn thời gian các công đoạn bầu cử.

ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Về việc rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bầu cử, việc quy định ngay trong dự thảo Luật về các mốc thời gian cụ thể của các bước đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau trong quy trình bầu cử là cần thiết để bảo đảm tính pháp lý cao nhất, ổn định, rõ ràng, qua đó tạo thuận lợi cũng như yêu cầu các cơ quan liên quan phải tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bầu cử một cách đồng bộ, thống nhất, thuận lợi cho quá trình cử tri giám sát, tham gia có trách nhiệm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương sắp tới sẽ có sự thay đổi rất lớn, ngay cả bộ máy tham gia phục vụ bầu cử cũng có thể thay đổi nhiều. Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ lưỡng hơn đối với từng mốc thời gian cụ thể để bảo đảm tính khả thi, cân bằng giữa việc rút ngắn thời gian và chất lượng, tính dân chủ của quy trình.

“Đối với những công đoạn liên quan đến quyền dân chủ, quyền của công dân thì cần giữ nguyên thời gian là hợp lý, những bước mang tính thủ tục hành chính có thể rút ngắn kết hợp. Đồng thời, cần có những biện pháp, giải pháp để bảo đảm tính khả thi, tránh tăng áp lực công việc lên các cơ quan, tổ chức ở địa phương; cần chú trọng công tác tổ chức bầu cử, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, theo sát quá trình triển khai ở địa phương”, đại biểu lưu ý.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Mặt khác, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, các bước quy trình bầu cử trong thời gian qua đã được thực tiễn công tác bầu cử chứng minh là phù hợp và điều này càng có ý nghĩa đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trong tình hình có sự thay đổi về tổ chức bộ máy, việc giữ các bước trong quy trình thủ tục bầu cử là cần thiết để bảo đảm sự ổn định, chặt chẽ, hạn chế xáo trộn.

Tăng tính chủ động cho cấp xã trong công tác bầu cử

Quan tâm đến quy định về xác định khu vực bỏ phiếu, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật về trách nhiệm UBND cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu.

Theo Báo cáo của Ủy ban Công tác đại biểu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại phiên họp tổ, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 11 của Luật hiện hành quy định: việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định và báo cáo UBND cấp tỉnh; trường hợp cần thiết thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, việc xác định khu vực bỏ phiếu là nội dung rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong khu vực thực hiện quyền bầu cử. Việc này phải được kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, nếu không thì có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc sắp xếp số lượng cử tri đi bầu để xác định khu vực bỏ phiếu và dễ dẫn đến sai sót, vi phạm trong bầu cử. Vì vậy, việc giao UBND cấp xã xác định khu vực bỏ phiếu để tăng tính chủ động cho cấp xã trong công tác bầu cử và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong tình hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là hoàn toàn hợp lý.

Bên cạnh đó, để bảo đảm quy định cụ thể, chi tiết và chặt chẽ, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc giám sát, kiểm tra các khu vực bỏ phiếu tương tự như cách quy định của Luật hiện hành về trách nhiệm bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, HĐND, Ủy ban bầu cử, Tổ bầu cử tương ứng đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, quy định theo hướng “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát, trường hợp cần thiết thì điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”.

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Cũng lưu ý nội dung trên, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cơ bản nhất trí với việc phân cấp, phân quyền như quy định tại dự thảo Luật. Song, đại biểu chỉ rõ, hiện nay trong dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí cần thiết để UBND tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu.

“Đây là một khái niệm mở để dẫn đến việc áp dụng tùy tiện. Hơn nữa trong dự thảo Luật còn thiếu yêu cầu UBND cấp xã phải báo cáo UBND cấp tỉnh”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh chỉ rõ.

Vì vậy, về việc lập khu vực bỏ phiếu trong khi cấp tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm tổng thể, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị bổ sung quy định UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo UBND cấp tỉnh về phương án xác định khu vực bỏ phiếu. Trường hợp cần thiết theo đề nghị của UBND cấp xã hoặc do yêu cầu bảo đảm thống nhất trên địa bàn tỉnh thì UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, quyền bầu cử, ứng cử là một trong các quyền chính trị cơ bản của công dân, vì vậy, dự án Luật đã nhận được sự quan tâm của các ĐBQH tại các phiên thảo luận tổ và Hội trường. Trong phiên thảo luận sáng nay đã có 9 ý kiến phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, cụ thể, hiện đồng thuận cao về nội dung sửa đổi và góp ý tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp. Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về tên gọi, phạm vi sửa đổi, các đại biểu thống nhất với nội dung như đã nêu trong Tờ trình; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, khắc phục để bảo đảm cho kỳ bầu cử tới.

Các đại biểu cũng cơ bản tán thành các quy định liên quan đến việc không tổ chức cấp huyện, việc phân cấp cho cấp tỉnh, cấp xã. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp và các luật có liên quan đến tổ chức bộ máy mà Quốc hội đang tiến hành sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất tăng số lượng thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử theo hướng quy định khung, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp; giữ nguyên quy trình bầu cử như pháp luật hiện hành nhưng rà soát kỹ việc rút ngắn quy trình, thủ tục, các mốc thời gian, bảo đảm sự phù hợp giữa các bước trong quy trình bầu cử để quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, thống nhất bổ sung vào Điều 36 quy định mang tính nguyên tắc về chuyển hồ sơ ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh khi đã hết hạn nộp hồ sơ đối với người ứng cử chuyển công tác từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác theo chủ trương của cấp có thẩm quyền và giao cho Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến của ĐBQH; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo, với tinh thần tất cả các ý kiến đều được tiếp thu hoặc giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi tới các ĐBQH chuẩn bị cho việc xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-trong-to-chuc-bau-cu-theo-sat-qua-trinh-trien-khai-o-dia-phuong-10373143.html
Zalo