Chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn

Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được huyện Mộc Châu triển khai thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn, tạo việc làm mới cho lao động.

Công ty cổ phần chè Chiềng Ve Mộc Châu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Công ty cổ phần chè Chiềng Ve Mộc Châu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Hiện nay, huyện có trên 75.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 64,11% dân số, phần lớn là lao động nông nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các đoàn thể, các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề.

Bên cạnh đó, huyện đã nghiên cứu hướng đầu tư nâng cao năng lực, đổi mới nội dung công tác hướng nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, tập trung các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng tốt vị trí việc làm tại các doanh nghiệp cần tuyển dụng. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông Trương Vĩnh Linh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Hằng năm, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề. Chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp danh sách người lao động, tạo cơ sở dữ liệu cung - cầu, dự báo thị trường lao động. Rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của nhân dân, nhất là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn, cũng như thế mạnh kinh tế của địa phương.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 47 lớp đào tạo nghề cho trên 1.500 lao động, là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các xã: Lóng Sập, Tân Hợp, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn, Tà Lại, Nà Mường, Chiềng Hắc, Tân Lập. Phối hợp tổ chức 3 Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp, giúp hơn 15.000 lượt người tiếp cận các thông tin tuyển dụng lao động, học nghề, hướng nghiệp tại các gian hàng của 60 đơn vị, doanh nghiệp, 10 trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Hằng năm, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị tuyển dụng lao động tổ chức các hội nghị tư vấn và giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn, thu hút hàng trăm lượt người tham gia.

Huyện còn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trường cao đẳng Sơn La, Trường cao đẳng du lịch Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Hội nhập, Ban Quản lý khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, tổ chức 45 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, du lịch cộng đồng cho trên 1.300 lượt người. Chỉ đạo Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp tổ chức 36 lớp bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho gần 1.500 lượt người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt khoảng 66% (trong đó lao động được cấp chứng chỉ đạt 27%).

Học viên sau các lớp tập huấn đã áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một số học viên chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong bản, xã để phát triển kinh tế. Hiện nay, huyện có gần 7.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 97,5%, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.

Chị Lò Hoài Thương, bản Nà Quền, xã Quy Hướng, được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối, năm 2022, chị Thương về làm việc tại Công ty TNHH Bao Bì Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Sau 1 năm làm việc, chị đã gửi tiền phụ bố mẹ xây dựng nhà ở khang trang.

Còn chị Quách Thu Huyền cũng ở bản Nà Quền, lựa chọn làm việc tại Homestay Noọng ơi, bản Áng, xã Đông Sang. Chị Huyền chia sẻ: Thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do huyện, tỉnh tổ chức, tôi được trau dồi kỹ năng cần thiết, cập nhật các kiến thức về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách du lịch, tạo dấu ấn tốt đẹp với du khách đến Mộc Châu.

Huyện Mộc Châu tiếp tục chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 68%. Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm, giúp người lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, nâng cao đời sống, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/trung-tam-dich-vu-viec-lam-tinh-son-la/chu-trong-tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-sa33q8VIR.html
Zalo