Chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn

Đà Nẵng hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Chiều 30/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.

Theo báo cáo, số lượng nhân lực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng ước tính đến cuối năm 2023 trên 52.000 người, chiếm khoảng 8,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố. Trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, chiếm 45% trong tổng số lao động.

Đà Nẵng hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC... với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các trường đại học trên địa bàn thành phố.

So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho hay, trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, thời gian qua, Đà Nẵng đã và đang tích cực, nỗ lực để tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn.

Cụ thể, Đà Nẵng đã thành lập liên minh các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn kết hợp trí tuệ nhân tạo, tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về thiết kế vi mạch. Trong đó, lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên chuyên ngành gần sang thiết kế chip và một số trường Đại học trên địa bàn thành phố đã bước đầu công bố tuyển sinh mới kỹ sư thiết kế vi mạch năm 2024; tham mưu Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù thí điểm cho thành phố Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn.

Việc phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn là lĩnh vực cần được ưu tiên nghiên cứu phát triển một cách bài bản và dài hạn. Do vậy, sự chung tay, chủ động của nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng với sự đồng hành hỗ trợ và quyết tâm của Nhà nước sẽ là cơ sở tạo nên đột phá này.

Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Công ty Marvell Việt Nam nhận định, Việt Nam có 5 yếu tố đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm nguồn nhân lực; hiệu quả trong việc thu hút đầu tư; ổn định chính trị; cơ sở hạ tầng đủ để phát triển được ngành vi mạch bán dẫn và sự ham học của người Việt Nam.

Theo ông Đạm, các kỹ sư ngành ngoài kỹ năng chuyên môn ra cần có thêm kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm. Về phía doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của nhà nước về nguồn lực và chính sách bảo mật trí tuệ...

Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn Huỳnh Công Pháp cho rằng, Đà Nẵng cần có chính sách giữ chân, thu hút được người học giỏi theo vi mạch bán dẫn, có nguồn vốn đầu tư lớn cho các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn như thu hút giảng viên giỏi, nhà khoa học Việt kiều, nước ngoài và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm. Đặc biệt là tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp; xây dựng các mô hình đào tạo đặt hàng cho doanh nghiệp, thực tập, triển khai dự án doanh nghiệp tại trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chu-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-vi-mach-ban-dan-post973515.vnp
Zalo