Chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị nông sản
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, năm 2023, ông Nguyễn Văn Ngọc ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã đầu tư 50 triệu đồng lắp đặt thiết bị lái tự động trên tàu cá số hiệu QT 92756TS của mình. Theo ông Ngọc, ưu điểm của thiết bị lái tự động này là dễ thao tác, chỉ cần chọn hướng đi hoặc tọa độ điểm đến trên màn hình với khả năng lưu 20 điểm đến; có thể điều khiển bằng 4 chế độ lái linh hoạt.
Trong đó, chức năng lái bằng remote giúp người lái tàu di chuyển ra xa khỏi buồng lái nhưng vẫn điều khiển được tàu cá như khi lái bằng vô lăng. Thiết bị còn có các chức năng báo động cảnh giới cho thuyền trưởng; cảm biến báo động chống ngủ quên; báo động khi phát hiện không có người cảnh giới trên ca bin...
Từ khi lắp đặt thiết bị lái tự động, ông Ngọc chỉ cần chọn hướng đi hoặc cài đặt tọa độ điểm đến là máy tự điều khiển tàu cá đến đúng địa điểm với quãng đường ngắn nhất. “Bình quân mỗi chuyến biển, tôi giảm được khoảng 4 - 5 triệu đồng tiền nhiên liệu so với trước đây. Người lái không phải thường xuyên nhìn la bàn để điều chỉnh hướng lái. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, lái tàu sẽ được nghỉ ngơi hay làm những công việc khác”, ông Ngọc cho hay.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Lê Văn Toàn cho biết, toàn huyện hiện có trên 860 tàu thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ với tổng công suất trên 101.000 CV. Trong đó có gần 170 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chuyên khai thác ở vùng biển xa. Những năm qua, cùng với đóng mới, cải hoán tàu cá, ngư dân còn tích cực ứng dụng các tiến bộ KHCN vào khai thác thủy sản.
Đến nay, không chỉ trở thành huyện có đội tàu cá hùng hậu, hiện đại nhất tỉnh mà hầu hết tàu cá của ngư dân Gio Linh đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn như hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, định vị vệ tinh, thiết bị giám sát hành trình; các công nghệ đánh bắt mới, hiện đại như máy dò cá, máy tời thủy lực cải tiến, lái tàu tự động, hầm bảo quản bằng PU... Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao; thất thoát sau khai thác đã giảm đáng kể.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương thông tin, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, trong trồng trọt đã có hơn 5.000 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; diện tích sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật đạt trên 10.000 ha.
Bên cạnh đó, nhiều công nghệ, thiết bị mới cũng đã được ứng dụng vào sản xuất lúa như: máy cấy bằng động cơ với công suất 4 ha/ngày; máy bón phân, gieo lúa. Nhiều đề tài nghiên cứu KHCN được thực hiện như: khảo nghiệm tính chống chịu bệnh khảm lá do vi rút và khả năng sinh trưởng một số giống sắn mới có triển vọng trên địa bàn tỉnh; khảo nghiệm, tuyển chọn những đối tượng giống cây trồng mới trên địa bàn; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các loại chế phẩm sinh học để phòng bệnh cho cây trồng; thuốc bảo vệ thực vật sinh học; xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất phân bón hữu cơ và bảo vệ môi trường...
Trên lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, đến nay toàn tỉnh đã có gần 700 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 135 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi bằng chuồng kín, tự động hóa các khâu thức ăn, nước uống, tiêu độc khử trùng, hệ thống giám sát trang trại chăn nuôi (camera) kết nối internet và điện thoại thông minh...
Thông qua các nguồn vốn hằng năm, đã và đang triển khai các mô hình thí điểm nuôi các đối tượng nuôi mới như cá rô đầu vuông, cá dìa, cá nâu, cá chim vây vàng... Mở rộng diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao với hơn 107 ha nuôi tôm sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại như: máy cho ăn tự động, máy thổi oxy, máy cảnh báo oxy, máy cảnh báo nguồn điện, hệ thống camera giám sát khu vực ao nuôi.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất, sấy, bảo quản, chế biến nông sản hiện đại,... tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế cao.
Điển hình như cơ sở sản xuất nước mắm Khai Hà đầu tư các xây dựng các bể chợp quy mô lớn có mái che; Công ty Cổ phần sản xuất sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời, đầu tư máy lọc nước mắm, dây chuyền đóng chai sản phẩm khép kín; cơ sở chế biến cá hấp phơi khô Hồ Văn Thăng đầu tư hệ thống máy móc để hấp cá giảm các công đoạn thủ công, xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm.
Một số cơ sở chế biến rau quả đã áp dụng công nghệ sấy lạnh trong chế biến như Công ty TNHH SX và TM Nông sản sạch Trần Lan, HTX nông nghiệp sạch Đông Triều, Công ty TNHH Green Globe, SUKHA FARM. Toàn tỉnh đã có hơn 90 cơ sở sử dụng tem truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ QR code, mã vạch với nhiều chủng loại sản phẩm như cao dược liệu, cà phê, trái cây, nước mắm và các sản phẩm chế biến khác.
Theo bà Phương, xác định việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác đào tạo nghề; đề xuất và triển khai thực hiện các chương trình, đề tài về nghiên cứu ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách về nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp. Tăng cường mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đến tìm hiểu, đầu tư các cơ sở sản xuất, mô hình nông nghiệp ứng dụng KHCN, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.