Chú trọng gìn giữ giá trị truyền thống của Tết Trung thu

Tết Trung thu không chỉ mang đến cho trẻ em niềm vui, sự háo hức, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhân dịp này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thế Mạnh, Phó Bí thư Huyện đoàn Nho Quan để cùng tìm hiểu về những nỗ lực của tuổi trẻ Nho Quan trong việc gìn giữ, lan tỏa những giá trị truyền thống trong cuộc sống hôm nay.

Đoàn thanh niên thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ (Nho Quan) chuẩn bị trại đón Tết Trung thu 2024. Ảnh: Đinh Quang

Đoàn thanh niên thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ (Nho Quan) chuẩn bị trại đón Tết Trung thu 2024. Ảnh: Đinh Quang

Phóng viên (PV): Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Trung thu-thời điểm mà mọi trẻ em háo hức, mong chờ. Công tác chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm đã được Huyện đoàn Nho Quan thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí (Đ/c) Bùi Thế Mạnh: Những ngày này, khắp nơi trên địa bàn huyện Nho Quan đều rộn ràng không khí chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu. Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ Đoàn cơ sở, thiếu nhi ở cả 27 xã, thị trấn đều đang tích cực tập luyện nghi thức Đội, các chương trình văn nghệ đặc sắc để chuẩn bị biểu diễn trong đêm hội trăng rằm. Tiếng trống ếch rộn ràng, những ca khúc thiếu nhi quen thuộc vang lên khắp nơi. Sự háo hức, chờ đợi ấy không chỉ của riêng con trẻ mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các bậc phụ huynh. Ai cũng mong muốn được góp phần mang lại cho con em mình một đêm trông trăng thật đầm ấm, ý nghĩa.

Riêng đối với Huyện đoàn Nho Quan, với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngay từ đầu tháng 9 dương lịch, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Đội trên địa bàn huyện tích cực triển khai các nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Huyện đoàn cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn để bảo đảm có sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sát sao trong việc chuẩn bị cho trẻ em địa phương đón Tết Trung thu.

Phát huy vai trò thanh niên xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ toàn huyện đã đóng góp, ủng hộ kinh phí để tặng quà cho các em đội viên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam/đioxin, con em các gia đình chính sách tại các địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng chỉ đạo cơ sở Đoàn đẩy mạnh hoạt động tình nguyện tại chỗ để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được vui đón Tết Trung thu, đảm bảo mọi trẻ em đều cảm nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ của cộng đồng; được đón tết Trung thu đủ đầy, đầm ấm. Nhìn chung, chúng tôi cố gắng đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra những sân chơi lý thú, hấp dẫn và thực sự bổ ích cho các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu, nhưng cũng phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm và gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống.

Chúng tôi cũng mong muốn, thông qua tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu sẽ thêm phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi trẻ em được phát triển bình đẳng.

Về thời gian, các đơn vị sẽ đồng loạt tổ chức các hoạt động Trung thu từ chiều ngày 14/8-15/8 âm lịch. Năm nay, do ảnh hưởng bởi mưa lũ, việc tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cũng có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.

PV: Để trẻ em được đón Tết Trung thu không chỉ đủ đầy về vật chất mà còn mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống, Huyện đoàn Nho Quan đã có những hoạt động cụ thể gì?

Đ/c Bùi Thế Mạnh: Nhìn chung, các hoạt động trọng tâm của Trung thu là tổ chức, tập hợp, thu hút thiếu nhi tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, phát huy tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, tham quan tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng ở địa phương… phù hợp với nhận thức của lứa tuổi các em.

Thực tế cho thấy, với xu hướng nhớ về truyền thống, nhớ về cội nguồn mà văn hóa đón Tết Trung thu của người Việt Nam càng thêm đậm đà ý nghĩa. Vì vậy, trong mọi hoạt động dành cho trẻ dịp Tết Trung thu, chúng tôi cũng luôn cố gắng để đưa các giá trị truyền thống đến gần hơn với các em thiếu nhi. Nho Quan là địa phương có các xã vùng cao và là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bởi vậy, địa phương còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhất là trong ngày Tết Trung thu.

Mặc dù những nét văn hóa riêng ấy ngày nay đã có nhiều mai một, song trong mỗi mùa trăng tròn, chúng tôi đều cố gắng để mỗi trò chơi trong dịp Tết Trung thu ngoài tiêu chí là vui, hấp dẫn còn phải mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo đó, chúng tôi đã khuyến khích các chi đoàn ở cơ sở trực tiếp tổ chức cho trẻ em tận tay làm các đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, cắt giấy, làm hoa để trang trí trại… Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố, múa kiếm, bắn nỏ, thi nấu cơm...

Chúng tôi khuyến khích các em phát huy tính sáng tạo, cách làm hay để tự biên, tự diễn các tiết mục văn nghệ, trò chơi mang đậm nét văn hóa truyền thống, có những bài hát mang giai điệu của dân tộc mình. Nội dung của những câu hỏi trong phần thi "Hái hoa dân chủ" sẽ giúp các em hiểu thêm về ý nghĩa, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, trẻ em miền núi còn nhiều thiệt thòi, khó khăn hơn so với trẻ em ở các vùng, miền khác. Bởi vậy, Tết Trung thu còn là dịp để giáo dục cho trẻ lòng nhân ái, tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng; hướng các em tới các hoạt động bình dị mà ý nghĩa như chia sẻ, giúp đỡ, tặng quà… mang lại sự ấm áp cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn hơn trong ngày Tết Trung thu.

PV: Theo đồng chí, việc đưa những giá trị truyền thống trong ngày Tết Trung thu đến gần hơn với giới trẻ ngày nay có những thuận lợi, khó khăn gì?

Đ/c Bùi Thế Mạnh: Cuộc sống càng hiện đại thì những nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết Trung thu cũng không tránh khỏi nguy cơ mai một. Việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên bức thiết, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, mỗi trường học, cộng đồng và cả gia đình. Một khó khăn đối với các cấp bộ Đoàn trong việc triển khai các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống cho trẻ em, đó là tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ Đoàn, lực lượng đoàn viên, thanh niên.

Những năm gần đây, mặc dù các cấp bộ Đoàn đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để thu hút thanh niên, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn vẫn rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động, phong trào Đoàn tại địa phương.

Nhìn từ thực tiễn, các xã, thị trấn và nhất là các đơn vị vùng sâu, xa trên địa bàn huyện Nho Quan nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung có một điều dễ nhận thấy là tình trạng người dân đi làm ăn xa diễn ra khá phổ biến, trong đó, có lực lượng lao động trẻ đang ở độ tuổi đoàn viên. Điều này khiến cho việc tập hợp thanh niên, duy trì các hoạt động Đoàn trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ở từng địa phương đều khó triển khai được những hoạt động mang tính dài hơi.

Tuy nhiên, cũng rất đáng mừng là hiện nay, các nhà trường, gia đình… đều có tinh thần trách nhiệm và có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc hướng trẻ em về những giá trị cội nguồn, truyền thống. Các nhà trường với việc tổ chức chương trình ngoại khóa đã cho trẻ tham gia vào những trải nghiệm ý nghĩa như thăm các làng nghề truyền thống; trực tiếp làm bánh, đồ chơi… để trẻ biết nguồn gốc, ý nghĩa, biết yêu mến, trân trọng những giá trị truyền thống hơn.

Các nhà trường cũng lồng ghép trong bài học giới thiệu về văn hóa Tết Trung thu qua câu chuyện kể, tranh ảnh, hoạt cảnh…, cùng với đó là tổ chức hoạt động làm bánh nướng, bánh dẻo, làm đèn ông sao, phá cỗ… qua đó tạo không khí Trung thu rộn ràng, háo hức, giúp trẻ được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống. Đặc biệt, vai trò của các gia đình trong việc khơi dậy và lan tỏa văn hóa truyền thống của Tết Trung thu cũng đã được phát huy.

Các bậc phụ huynh đã dành nhiều thời gian để cùng con em tỉ mẩn làm những chiếc đèn ông sao từ giấy bóng, hay cùng nhau bày biện mâm cỗ trông trăng giản dị, ấm cúng. Trong lúc chờ phá cỗ, người lớn cũng hướng các em tham gia vào những trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, trốn tìm đuổi bắt...

Trong đêm rằm phá cỗ, những chiếc đèn ông sao được làm thủ công từ chất liệu tre, nứa, giấy màu vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với trẻ… Tóm lại, bằng cách này hay cách khác, những chiếc đèn lồng được làm bằng thủ công hay những bánh trung thu mộc mạc hương vị nhà làm… thì đều là lời nhắn nhủ ý nghĩa của cha mẹ, thầy cô, của thế hệ đi trước với người trẻ, mong muốn các con luôn ghi nhớ về ngày Tết Trung thu, về những giá trị ẩn sâu trong đó của ngày tết đoàn viên, sum họp.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Đào Hằng (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-trong-gin-giu-gia-tri-truyen-thong-cua-tet-trung-thu/d2024091309016577.htm
Zalo