Chú trọng giám sát và phản biện xã hội

Là địa phương có số lượng các dự án trọng điểm lớn, quá trình xây dựng nông thôn mới sôi động, nhiều dự thảo nghị quyết được xây dựng hàng năm... nên hoạt động giám sát và phản biện xã hội tại Đồng Nai rất đa dạng, luôn gắn liền với những vấn đề người dân quan tâm, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (giữa) trao đổi cùng lãnh đạo huyện Long Thành và xã Bình An. Ảnh:S.Thao

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (giữa) trao đổi cùng lãnh đạo huyện Long Thành và xã Bình An. Ảnh:S.Thao

Chủ động giám sát và phản biện xã hội

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà, thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thời gian qua, MTTQ các cấp đã tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của người dân. Đồng thời, từ các hội nghị phản biện xã hội, thông qua đội ngũ chuyên gia do Mặt trận kết nối đã cung cấp cái nhìn đa chiều, thông tin phong phú để các đơn vị soạn thảo dự thảo nghị quyết chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện nội dung, căn cứ pháp lý trước khi trình HĐND các cấp thông qua và áp dụng vào cuộc sống.

Hiện Mặt trận tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với 12 đơn vị và Mặt trận mỗi huyện, thành phố đã ký kết từ 6-8 quy chế, chương trình phối hợp với đơn vị cùng cấp.

Như vào tháng 6 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng ở thành phố Long Khánh (giai đoạn 2), thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất), thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) do UBND tỉnh thực hiện.

Tại hội nghị, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ý kiến phản biện đã yêu cầu việc đặt tên đường và công trình công cộng cần đảm bảo nguyên tắc tên đường được đặt là những danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa, những người yêu nước, nhà hoạt động cách mạng có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có cống hiến xuất sắc cho dân tộc trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội... Từ đó, đơn vị soạn thảo dự thảo nghị quyết đã tiến hành tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa.

Thực hiện Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn tỉnh có 65 mô hình đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở như: Câu lạc bộ Nhà trọ bảo đảm an ninh trật tự; mô hình Khu nội trú sinh viên “an toàn - văn minh - không tội phạm và tệ nạn xã hội”; các khu nhà trọ công nhân “an toàn - văn minh - không tội phạm và tệ nạn xã hội”, mô hình thực hiện Chương trình “4 giảm”…

Đây là một trong gần 3 ngàn cuộc giám sát và phản biện xã hội được ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thực hiện trong 5 năm qua (2019-2024).

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 27 đoàn giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên địa bàn theo Quy định số 12-QĐ/TU ngày 24-4-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cụ thể, trong quá trình giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã Bình An (huyện Long Thành), có những kết quả đạt được như: cấp ủy địa phương đã chỉ đạo chính quyền, các chi bộ trực thuộc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ về công khai các vấn đề, nội dung để dân biết, dân bàn và quyết định trực tiếp. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt 100%. Xã duy trì thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã tiếp dân 1 giờ vào các ngày trong tuần…

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cùng các thành viên trong đoàn kiểm tra, giám sát yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương cần thẳng thắn phân tích, chỉ rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình, kết quả thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở theo hướng cầu thị, nhìn nhận rõ thực tế. Tăng cường công tác công khai, minh bạch thông tin nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân…

Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên môn

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, Mặt trận các cấp trong tỉnh thẳng thắn nhìn nhận là công tác giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế, nhất là ở cơ sở; chưa theo dõi và có giải pháp đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; việc phát huy vai trò của Mặt trận tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa hiệu quả…

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng. Ảnh:S.Thao

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng. Ảnh:S.Thao

Từ thực tế này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động đề ra những giải pháp phù hợp. Trước tiên là việc xây dựng đội ngũ làm công tác giám sát và phản biện xã hội. Cụ thể, thông qua việc hoàn thành tổ chức đại hội Mặt trận các cấp nhiệm kỳ 2024-2029, đã có hơn 6,4 ngàn người tham gia ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Những cá nhân này là đại diện của tất cả thành phần tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia của các ngành. Điều này đưa Mặt trận thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận triển khai các nhiệm vụ, nhất là sự phối hợp trong triển khai chương trình giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Toàn tỉnh hiện có 170 chủ tịch và 170 phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; 936 trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố.

Đặc biệt, Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra vào tháng 8 vừa qua đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận Đồng Nai là: nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, mỗi năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức giám sát, phản biện ít nhất 3 nội dung và 4 dự thảo văn bản. Mỗi huyện, thành phố chủ trì tổ chức giám sát, phản biện ít nhất 2 nội dung và 2 dự thảo văn bản. Mỗi xã, phường, thị trấn chủ trì tổ chức giám sát, phản biện ít nhất 1 nội dung và 1 dự thảo văn bản. Những nội dung giám sát và phản biện xã hội sẽ được Mặt trận các cấp chủ động lựa chọn gắn với những vấn đề người dân quan tâm thay vì chờ các đơn vị xây dựng dự thảo nghị quyết đề nghị.

Đồng thời, Mặt trận các cấp sẽ tận dụng quá trình chuyển đổi số, vận dụng mạng xã hội để tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân rồi thực hiện giám sát kịp thời. Ngoài ra, phấn đấu 100% cán bộ Mặt trận cấp xã, trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Mặt trận. 100% ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã ứng dụng các mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, vận động…

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/chu-trong-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-4487b2c/
Zalo