Chú trọng đối tượng thụ hưởng, tăng hiệu quả sử dụng vốn

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), trên địa bàn TP Hà Nội, nguồn vốn chính sách đã phủ tới 100% xã, phường, thị trấn, hỗ trợ hiệu quả các hộ nghèo, đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay

Cách đây vài năm, gia đình chị Ngô Thị Năm (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) loay hoay, trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo. Thông qua sự hỗ trợ của hội phụ nữ, chị tiếp cận và vay được 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ tổng hợp. Hiện trang trại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình chị cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.

Nhiều chị em trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng triển khai thành công mô hình khởi nghiệp nhờ nguồn vốn tín dụng. Theo đồng chí Phạm Thị Bích Thủy, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Trì, các cấp hội trên địa bàn đã nỗ lực triển khai, thực hiện hoạt động ủy thác, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với phụ nữ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, dư nợ hội nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đạt hơn 222 tỷ đồng, giúp hơn 4.300 hội viên vay vốn, không có nợ quá hạn.

 Người dân huyện Ba Vì được giải quyết thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: MINH ANH

Người dân huyện Ba Vì được giải quyết thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: MINH ANH

Ở huyện Mỹ Đức, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ dân có kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn (xã Phúc Lâm), tự tin với nguồn vốn vay, ông mạnh dạn thuê đất, xây dựng nhà lưới, nhà màng với diện tích 2.100m2 để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao an toàn và thuê 3.600m2 đất ngoài để phát triển mô hình trồng hoa, rau sạch. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, mô hình của ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Theo đồng chí Tạ Đức Thức, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Đức: Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đối với việc thực hiện Chỉ thị 40 nên nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đều có điểm giao dịch và mọi công việc giải ngân được thực hiện ngay tại cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân được vay vốn. 100% người nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với những chương trình tín dụng CSXH. Đến ngày 21-5-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 693 tỷ đồng, với gần 13.000 khách hàng dư nợ.

Ngay sau khi Chỉ thị 40 ra đời, Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trên địa bàn thành phố. Với đa dạng hình thức tuyên truyền, Chỉ thị 40 được phổ biến rộng rãi, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Hiện Hà Nội đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Ngân hàng CSXH thành phố tổ chức giao dịch tại hơn 550 điểm đặt tại trụ sở UBND cấp xã.

Theo đồng chí Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hằng năm, HĐND, UBND các cấp quan tâm bố trí ngân sách chuyển đổi vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Doanh số cho vay 10 năm (từ năm 2015 đến ngày 30-4-2024) là 38.759 tỷ đồng với hơn 1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Đến ngày 30-4-2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố đạt 15.452 tỷ đồng (tăng 226% so với năm 2014).

Các chương trình tín dụng chính sách đóng góp quan trọng trong giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 3,64% xuống 0,21% (giai đoạn 2016-2021); từ 0,16% xuống 0,03% (giai đoạn 2022-2024).

Tăng nguồn lực hỗ trợ, bổ sung đối tượng thụ hưởng

Bên cạnh kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội còn một số khó khăn. Theo nhiều lãnh đạo địa phương, mức cho vay để sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã được Trung ương và thành phố bổ sung nhưng chưa đủ do giá cả ở Hà Nội cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, dẫn đến tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, theo đồng chí Phạm Văn Quyết, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội: Các bộ, ngành liên quan cần rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng, CSXH, đề xuất nâng mức cho vay, tăng thời hạn cho vay, bổ sung đối tượng thụ hưởng phù hợp với chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngân hàng CSXH Việt Nam cũng cần tiếp tục bố trí vốn Trung ương theo kế hoạch hằng năm của TP Hà Nội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Người dân xã Tân Triều, huyện Thanh Trì phát triển mô hình sản xuất chỉ tơ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: THẢO LAN

Người dân xã Tân Triều, huyện Thanh Trì phát triển mô hình sản xuất chỉ tơ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: THẢO LAN

Trước một số hạn chế đặt ra, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách hằng năm, tiếp tục nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố cho người dân vay vốn. Các cấp, ngành, tổ chức và đơn vị có liên quan chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với việc triển khai tín dụng CSXH và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và trong từng giai đoạn; đưa nội dung triển khai thực hiện tín dụng CSXH gắn với bố trí nguồn lực tại địa phương, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố chủ động huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Lãnh đạo các địa phương thuộc TP Hà Nội cũng thống nhất đề nghị tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng CSXH các cấp, chủ tịch UBND cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội... để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện cũng như nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, bình xét đối tượng vay vốn đúng quy định; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với những chương trình, dự án của các tổ chức chính trị-xã hội.

NGUYỆT ÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chu-trong-doi-tuong-thu-huong-tang-hieu-qua-su-dung-von-790327
Zalo