Chú trọng bảo vệ sức khỏe trước bệnh cúm mùa
Hiện nay, trong cộng đồng và ở các cơ sở y tế ghi nhận sự gia tăng số người mắc cúm mùa. Bộ Y tế khuyến cáo cần tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Tuy không hoang mang, lo lắng nhưng mọi người không nên chủ quan, lơ là với bệnh cúm.
![Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ được nhà trường khuyến cáo đeo khẩu trang nơi đông người để phòng bệnh cúm lây lan - Ảnh: T.L](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_450_51453516/df5ecf1ff951100f4940.jpg)
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ được nhà trường khuyến cáo đeo khẩu trang nơi đông người để phòng bệnh cúm lây lan - Ảnh: T.L
Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở Phường 5, TP. Đông Hà ban đầu chỉ mình chị mắc cúm với các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau mỏi người, cảm giác khó chịu. Chị không biết mình bị mắc cúm nên chủ quan không có biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Đến khi đi khám bệnh bác sĩ cho biết chị mắc cúm mùa thì gia đình chị cũng có thêm chồng và con nhỏ đã mắc cúm. Nhờ được uống thuốc kịp thời nên các thành viên trong gia đình chị sớm cắt đứt cơn cúm, sức khỏe bình thường trở lại. Ở TP. Đông Hà, nhiều gia đình có triệu chứng như gia đình chị Hòa và được khám, uống thuốc kịp thời nên nhanh khỏi bệnh.
Bác sĩ Hoàng Quang Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đông Hà cho biết, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do vi rút cúm gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp... nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ, uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện.
Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu, mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì vi rút sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng nguy hiểm nên không được chủ quan. Vi rút cúm khi xâm nhập vào cơ thể người làm suy yếu khả năng phòng vệ. Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch thường có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn.
Tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh... cũng ghi nhận nhiều người mắc bệnh cúm. Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ Hồ Thị Hải Thanh cho biết, từ trong Tết đến nay rét đậm kéo dài, trường có nhiều học sinh có triệu chứng ho, sốt, một số em phải nghỉ học vì mắc bệnh.
Trước tình hình này, nhà trường chủ động tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh chú ý nhận biết các triệu chứng và phòng bệnh cúm mùa theo khuyến cáo của cơ quan y tế, ăn đủ chất, mặc ấm đến trường trong những ngày mưa rét, đeo khẩu trang trong lớp học để phòng lây bệnh cúm ảnh hưởng đến học tập.
Theo các nhà chuyên môn, vi rút cúm có khả năng lây qua những giọt bắn lớn, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng và mũi. Vi rút cúm có thể lây khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với màng nhầy ở mũi, miệng và cổ họng của những người bị bệnh. Người được chẩn đoán mắc bệnh cúm nếu đang bị sốt, nhất là những người bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp nên ở nhà vì rất dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cho biết, ngành đã ghi nhận số ca mắc bệnh cúm có chiều hướng tăng trong cộng đồng, đây là cúm thông thường, chưa phải dịch cúm. Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang tại không gian công cộng như: cửa hàng, siêu thị, trên các phương tiện giao thông công cộng và khu vực đông người.
Cùng với đó, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn trước và sau khi chạm vào khẩu trang là yêu cầu cần thiết; hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh và có triệu chứng bệnh. Tuy trên địa bàn tỉnh chưa có ca bệnh cúm nào chuyển nặng phải điều trị nhưng mọi người không nên chủ quan và cũng đừng hoang mang, lo lắng, cần chủ động thay đổi hành vi phòng bệnh cúm và tự bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ những khuyến cáo khoa học.
Nhằm tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tình hình bệnh cúm có xu hướng tăng, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Theo đó, số ca mắc cúm tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp tết Nguyên đán 2025 đến nay nhưng chưa có đột biến. Các chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A/H3N2, A/H1N1 và B. Bệnh sởi giảm so với tháng 12/2024 nhưng vẫn có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Hiện nay, thời tiết có độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển và lây lan.
Đồng thời, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm gia tăng cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, các cơ sở y tế và các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống, chống dịch sởi, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Mặt khác, theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút. Chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh cúm.
Bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như: người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em...
Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh và bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm; theo dõi chặt chẽ và kịp thời khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.