Chủ tịch UBND TP HCM: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Vành đai 3
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Mộc Bài, thúc đẩy kết nối giao thông vùng Tây Bắc.
Chiều 15-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã kiểm tra thực địa một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM và dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được (thứ 2 từ phải sang) và Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường (bìa phải) kiểm tra thực địa tại điểm giao 2 dự án đường Vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Mộc Bài
Tại điểm đầu tuyến giao giữa 2 dự án tại Tỉnh lộ 15 (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi), Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được đã nghe báo cáo tiến độ, tình hình thi công và các vấn đề liên quan đến công tác điều phối giữa 2 dự án kết nối chiến lược này. Đây là điểm nút quan trọng giúp hình thành mạng lưới giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc TP HCM.

Quang cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông), cho biết dự án Vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Dự án được chia thành 8 dự án thành phần, gồm 4 dự án xây dựng và 4 dự án giải phóng mặt bằng. Riêng đoạn qua TP HCM có chiều dài hơn 47 km, với tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỉ đồng cho cả xây dựng và giải phóng mặt bằng.
Tính đến giữa tháng 5-2025, toàn dự án đã triển khai 10/10 gói thầu xây lắp chính, với sản lượng đạt khoảng 38,82% giá trị hợp đồng. Nhiều gói thầu đạt tiến độ khá như XL3 (56,37%), XL2 (43,26%) và XL6 (44,92%).
Về vật liệu xây dựng, tổng nhu cầu cát đắp nền đường toàn dự án vào khoảng 8,5 triệu m³, trong đó TP HCM cần khoảng 6,6 triệu m³. Đến nay, đã huy động được hơn 2,15 triệu m³ cát, từ nguồn thương mại, nguồn nhập từ Campuchia và nguồn trong nước.
Dự kiến đến tháng 6-2025, toàn bộ 14 mỏ cấp phép sẽ khai thác với công suất 4,8 triệu m³/năm – cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công trong năm nay. Ngoài ra, đá xây dựng cần khoảng 2,8 triệu m³, hiện đã huy động được 0,5 triệu m³.
Dự án đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật đoạn Thủ Đức và đoạn Củ Chi - Hóc Môn - Bình Chánh vào cuối năm 2025, tiến tới thông xe toàn tuyến chính cao tốc vào 30-4-2026.
Mặc dù công tác thi công phần cầu trên tuyến vành đai 3 TP HCM đoạn phía Tây vẫn được duy trì ổn định, song tiến độ chung của toàn dự án hiện chỉ đạt khoảng 35-37%, chủ yếu do phần đường bị chậm trễ. Nguyên nhân lớn nhất là nguồn cung cát - vật liệu nền thiết yếu - không đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Lương Minh Phúc, trong nhiều tháng qua, khối lượng cát cung ứng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nhu cầu. Đến tháng 4 vừa qua, tình hình mới bắt đầu cải thiện. Tuy nhiên, ông đánh giá các nhà thầu vẫn chưa chủ động trong việc mua cát từ các mỏ đã được cấp phép, phần vì giá cao, phần vì thiếu quyết liệt trong triển khai.
Bên cạnh đó, tốc độ khai thác và cung cấp từ các mỏ cát ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn chậm, khiến việc vận chuyển vật liệu về công trình bị gián đoạn. Hiện mới chỉ có khoảng 1,5 triệu m³ cát được đưa về phục vụ thi công, trong khi tổng nhu cầu lên tới 5 triệu m³. Trong giai đoạn cao điểm từ tháng 5 - 8, mỗi tháng cần khoảng 500.000 m³ để đảm bảo tiến độ gia cố nền đường.
Dù Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao, thực tế triển khai vẫn đang gặp độ "vênh" giữa chỉ đạo và thực tiễn. Trước áp lực tiến độ, Ban Giao thông cam kết sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm và đẩy mạnh thi công, với quyết tâm "gấp 10 lần trước đây" để đưa dự án về đích đúng hạn.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh phối hợp, tăng tốc thi công, đảm bảo chất lượng và tiến độ cam kết. Đặc biệt, các nhà thầu phải huy động tối đa nguồn lực, tăng ca thi công, chuẩn bị đầy đủ vật tư - thiết bị; đồng thời có giải pháp cụ thể xử lý chậm tiến độ, vướng mắc về nền đất yếu, và tình trạng chậm giải ngân - hiện mới đạt 14% kế hoạch năm 2025.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM cũng lưu ý việc kết nối đồng bộ giữa Vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Mộc Bài, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, phát huy tối đa năng lực khai thác các tuyến đường trục chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Lương Minh Phúc, cho biết hiện chỉ mới huy động được hơn 2,15 triệu m³ cát trong tổng nhu cầu 8,5 triệu m³, riêng TP HCM cần khoảng 6,6 triệu m³. Trung bình mỗi tháng cần cấp ít nhất 450.000 m³. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số mỏ tại Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre hoàn thiện hồ sơ khai thác. Một số mỏ khác do ngưng hoạt động suốt 10 năm nên gặp khó khăn khi tái khai thác, trữ lượng thực tế thấp, chất lượng không đảm bảo.

Đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi, TP HCM
Chủ tịch UBND TP HCM giao Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường chủ trì tổ chức cuộc họp với các bên để sớm thiết lập "luồng xanh" vận chuyển cát từ các địa phương về công trường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu. TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành phối hợp, thống kê rõ số lượng, sản lượng, công suất của từng mỏ và giao định mức cụ thể cho từng tháng từ nay đến tháng 8 tới.
Đại diện các nhà thầu khu vực phía Tây, nhà thầu Trường Sơn (gói thầu XL2, XL3, XL6…) cho biết tình trạng thiếu cát đang là "nút thắt" lớn nhất khiến tiến độ bị đình trệ. Dù đã ký hợp đồng cung ứng vật liệu, nhiều nhà thầu vẫn phải tìm nguồn thay thế từ Campuchia với chi phí cao và nguồn cung không ổn định. Một số mỏ cát tại các tỉnh ĐBSCL sau khi được quy hoạch lại tạm dừng cấp phép, khiến nhà thầu buộc phải chấp nhận bù lỗ để giữ tiến độ thi công.
Các nhà thầu đề xuất UBND TP HCM hỗ trợ chỉ đạo, cấp "logo nhận diện" cho xe vận chuyển vật liệu phục vụ dự án Vành đai 3 để tạo điều kiện lưu thông nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành địa phương hỗ trợ tối đa trong việc vận chuyển cát về công trường, bảo đảm cung cấp ít nhất 500.000 m³ mỗi tháng.
Ông Lương Minh Phúc khẳng định đến cuối năm nay sẽ đảm bảo hiệu suất khai thác đạt 14 triệu m³ từ 14 mỏ đã được cấp phép, đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm những nhà thầu không chủ động nguồn cung vật liệu hoặc không đáp ứng tiến độ.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được yêu cầu Ban Giao thông, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, đồng thời giao Phó Chủ tịch UBND Bùi Xuân Cường cùng các sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu tổ chức cuộc họp với các bên nhằm tháo gỡ vướng mắc, sớm thiết lập "luồng xanh" vận chuyển cát từ 3 mỏ thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre.