Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Liên thông dữ liệu là 'chìa khóa' vận hành chính quyền 2 cấp

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW là cơ hội để Hà Nội đi trước một bước trong xây dựng chính quyền đô thị hiện đại.

Sáng 2-7, phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội đang tích cực triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cơ hội để xây dựng chính quyền đô thị hiện đại

“Việc thực hiện Nghị quyết số 57 không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà còn là cơ hội để đổi mới tư duy quản lý, hoàn thiện thể chế và xây dựng chính quyền đô thị hiện đại. TP xác định hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp là thước đo thực chất nhất của năng lực bộ máy hành chính”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, đến nay, thành phố đã hoàn thành 19/58 nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ còn lại đang được triển khai theo đúng tiến độ.

Trong đó, nổi bật là 7 kết quả lớn: Thứ nhất, lần đầu tiên trong cả nước, Hà Nội tích hợp thành công bốn thủ tục hành chính của Đảng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối với dữ liệu dân cư.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: TV

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: TV

Thứ hai, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của TP được đồng bộ, kết nối toàn diện với nền tảng VNeID, dữ liệu dân cư và các hệ thống chuyên ngành. TP đã cấu hình hơn 1.900 thủ tục hành chính, đồng bộ trạng thái xử lý trên toàn hệ thống.

Thứ ba, mô hình quản lý tập trung - tích hợp đa tầng được vận hành, với Trung tâm phục vụ hành chính công làm đầu mối kết nối toàn thành phố đến 126 xã, phường.

Thứ tư, 100% xã, phường đã thực hiện xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số, đặt nền móng cho hệ thống văn bản điều hành số liên thông giữa Đảng - chính quyền - mặt trận.

Thứ năm, nền tảng LGSP của Hà Nội kết nối thành công với 28 danh mục dữ liệu quốc gia và tám hệ thống chuyên ngành, với lưu lượng 60.000-70.000 lượt kết nối/ngày.

Thứ sáu, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật hoạt động 24/7. Trong 10 ngày cuối tháng 6-2025, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận hơn 6.000 cuộc gọi hỗ trợ, tỉ lệ xử lý đạt gần 99%.

Thứ bảy, TP hoàn thiện đồng bộ 126 trang thông tin điện tử cấp xã, khởi tạo gần 13.000 tài khoản người dùng, tạo nền tảng thống nhất trong vận hành chính quyền hai cấp.

Liên thông dữ liệu là chìa khóa

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết 57 của Thủ đô, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết: “Ngay từ đầu thành phố đã xác định liên thông dữ liệu là nhiệm vụ then chốt, là “chìa khóa” để bộ máy sau sắp xếp vận hành thông suốt, hiệu quả. Đây không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà là yêu cầu thay đổi tư duy quản trị, tổ chức lại toàn bộ hệ thống.

Từ thực tiễn triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ra bài học kinh nghiệm lớn đó là việc triển khai liên thông dữ liệu và xây dựng chính quyền hai cấp đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị. Đồng thời chủ động triển khai, không chờ hướng dẫn từ trên.

Đặc biệt, Hà Nội xác định rõ 4 trụ cột “xương sống” gồm: văn bản điện tử, thư điện tử, họp trực tuyến và trang thông tin điện tử cấp xã. Thực hiện chia sẻ dữ liệu theo hướng mở, lấy dữ liệu làm trung tâm, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia, các bộ ngành.

Bên cạnh đó, TP cũng triển khai hỗ trợ kỹ thuật tận cơ sở, kịp thời và liên tục, là địa phương duy nhất có Tổng đài riêng cho mô hình chính quyền hai cấp, đảm bảo vận hành hệ thống ổn định. Xây dựng riêng ứng dụng iHanoi có tích hợp hệ thống giải quyết thủ tục hành chính để giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Hà Nội vẫn đối mặt với thách thức như hoàn thiện cơ sở dữ liệu, kết nối hệ thống giữa các cấp và bảo đảm an toàn thông tin.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện thể chế liên quan đến liên thông dữ liệu, phân quyền, chia sẻ dữ liệu giữa các cấp. TP cũng mong muốn được thí điểm các mô hình mới về quản lý dữ liệu và chính quyền số.

“Hà Nội cam kết tiếp tục tiên phong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là xây dựng hệ thống dữ liệu liên thông, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính quyền, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Thanh nhấn mạnh.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-lien-thong-du-lieu-la-chia-khoa-van-hanh-chinh-quyen-2-cap-post858387.html
Zalo