Chủ tịch UBND TP Hà Nội gỡ vướng về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của các công nhân, người lao động và sẽ có cách xử lý 'mở' hơn về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp…
Chiều 28/5, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Thạch Thất, Hà Nội), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị Chủ tịch UBND TP gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô năm 2025.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị Chủ tịch UBND TP gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô năm 2025
Nhà ở cho công nhân ở gần khu công nghiệp còn thiếu hụt nghiêm trọng
Tại buổi đối thoại, đặt câu hỏi về nhóm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trường học cho con công nhân, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty TNHH Thời Trang Star) chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng lao động từ các tỉnh xa vào làm việc tại khu công nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề chỗ ở. Nhu cầu nhà ở gần khu công nghiệp còn thiếu hụt nghiêm trọng, khiến nhiều lao động tiềm năng không thể chuyển đến làm việc và sinh sống lâu dài. Đây là một yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của khu công nghiệp và tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực.
Từ đó, chị Nguyễn Thị Huyền Trang đề xuất UBND TP xem xét việc xây dựng các khu nhà trọ giá rẻ và nhà trẻ cho con công nhân, người lao động. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề về nơi ở cho người lao động mà còn đảm bảo sự ổn định gia đình và công việc cho họ. Đồng thời, việc xây dựng nhà gửi trẻ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh, tạo điều kiện để họ tập trung làm việc với năng suất cao.
"Ngoài ra, việc xây dựng các khu nhà ở này cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động, từ đó thu hút thêm nhiều lao động chất lượng từ các địa phương khác, nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững cho khu công nghiệp. Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu được triển khai, đề xuất này sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho cả người lao động” - chị Nguyễn Thị Huyền Trang chia sẻ.

Chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH KanePackage) nêu ý kiến
Liên quan đến nhu cầu về nhà ở xã hội, chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH KanePackage) cho rằng, hiện nay quy định về thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là rất khó khăn. Lương tối thiểu của công nhân ở Hà Nội thấp nhất cũng trên 4 triệu đồng và đa số các doanh nghiệp đều trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng. Ngoài lương còn có chính sách thưởng, đặc biệt thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp thưởng 3 tháng lương, do vậy mức thu nhập của nhiều công nhân đạt trên 15 triệu đồng. Thu nhập này so với giá cả chi tiêu ở TP vẫn khiến đời sống người lao động eo hẹp, xong lại không đạt điều kiện mua nhà ở xã hội.
Từ đó, chị Chu Thị Báu đề nghị TP xem xét, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền điều chỉnh điều kiện về mua nhà ở xã hội thành: thu nhập 25 triệu đồng trở xuống hoặc 20 triệu đồng trở xuống thuộc diện được mua nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tiễn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chủ trương về nhà ở công nhân được TP đặc biệt quan tâm
Giải đáp kiến nghị của công nhân, người lao động về nhu cầu nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương nhấn mạnh đây là những kiến nghị thiết thực, cấp bách. Chủ trương về nhà ở công nhân được TP đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
TP Hà Nội đã ban hành chương trình về phát triển nhà ở đến năm 2030, trong đó có nêu rõ chủ trương về phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn này. Trong đó, TP đã giao nhiệm vụ Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, nay là Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội cũng như LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức nghiên cứu, đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê gắn với các thiết chế công đoàn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương giải đáp kiến nghị của công nhân, người lao động về nhu cầu nhà ở xã hội
"Đề án đầu tư xây dựng gắn với thiết chế công đoàn đã được Thủ tướng phê duyệt tại các quyết định, tuy nhiên việc bố trí trên thực tế còn khó khăn ngay từ khâu xác định nhu cầu của công nhân hiện nay là bao nhiêu còn chưa rõ kết quả” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Luyện Văn Phương thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Luyện Văn Phương, Sở Xây dựng không trực tiếp làm việc này, tuy nhiên qua trao đổi với Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội cho thấy việc khảo sát tại công ty, nhu cầu của người lao động chưa xác định được.
"Việc phát triển chậm nhà ở xã hội cũng có lỗi của các đơn vị, chúng tôi xin nhận lỗi và khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội thủ tục xây dựng nhà ở xã hội, trong đó tháo gỡ rất nhiều vấn đề, từ giao chủ đầu tư cho tới quy trình thủ tục” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói, đồng thời đề nghị LĐLĐ TP tiếp tục phối hợp với các đơn vị khảo sát nhu cầu xác đáng của Nhân dân.
Về điều kiện mức lương mua nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Luyện Văn Phương cho hay, điều này đều quy định rất rõ ở Luật. Trong thẩm quyền của mình, Sở Xây dựng ghi nhận ý kiến và sẽ tiếp tục có kiến nghị lên các cấp cao hơn để có thể sửa đổi cho phù hợp trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh gỡ vướng về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động
Về điều kiện mức lương mua nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, mức lương tối thiểu trong điều kiện mua nhà ở xã hội đã có trong quy định trong Luật, Hà Nội có thể khác hơn không? Chủ tịch UBND TP Hà Nội gợi ý LĐLĐ TP cùng với các cơ quan, lãnh đạo TP có kiến nghị đối chiếu với Luật Thủ đô 2024 để xác định cơ chế đặc thù cho Hà Nội, xem HĐND TP có thể có nghị quyết riêng hay không, bổ sung có hệ số K nào đó để cho đông đảo công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội.
“Thực tế có những doanh nghiệp đang trả lương cao hơn một chút, có thể thu nhập lên đến 20 triệu đồng, thì xem có hệ số nào không. Các đơn vị và LĐLĐ TP Hà Nội cần nghiên cứu và lưu ý kiến nghị này” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Về vấn đề nhà trọ cho công nhân, người lao động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, năm nay TP Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch vượt mức nhà ở xã hội do Thủ tướng giao. Hiện nay cơ chế vận hành nhà ở xã hội chủ yếu vẫn là bán, hình thức thuê - cho thuê sơ cấp, thứ cấp... Do lịch sử hình thành các khu công nghiệp, nhà nước và Nhân dân cung ứng dịch vụ cho thuê, tuy nhiên để nâng cấp vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh... cần phải thực hiện bài bản hơn. “Lãnh đạo TP tiếp thu và sẽ có cách xử lý “mở” hơn về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp…”- Chủ tịch UBND TP nói.
Về nhu cầu trường học cho con công nhân, người lao động, anh Vy Văn Thắng (Trường THPT Xuân Đỉnh) cho rằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian riêng ở nhiều địa phương sẽ không đáp ứng được yêu cầu do có nhiều môn học mới, đòi hỏi rèn luyện kỹ năng, chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh. Từ đó, anh Vy Văn Thắng đề nghị TP Hà Nội có chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường.
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho hay, về chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường là chủ trương rất lớn. Thời gian qua, lãnh đạo TP rất quan tâm, chưa bao giờ có điều kiện thuận lợi như hiện nay.
Tại Hà Nội, việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được phát triển tốt nhất trong những năm vừa qua. Năm học 2023-2024, TP quan tâm xây dựng 39 trường học từ mầm non cho đến THPT, số lượng trường lớn nhất trong thời gian qua. Trong học kỳ 1 năm 2024-2025, toàn TP đã xây dựng được 16 trường học. Trong 3 năm trở lại đây, toàn TP xây được 55 trường, bớt đi được căng thẳng trong phát triển chỗ học cho học sinh Thủ đô - địa phương đông dân cư, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.
“Liên quan đến quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đây là giai đoạn thực hiện rất tốt và nhận được sự quan tâm lớn, có trang bị hiện đại. Những trường ở Hà Nội khi đã đầu tư xây mới thì đều đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 trở lên. Ngoài ra, Hà Nội còn đầu tư triển khai xây dựng các trường liên cấp quốc tế” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định.