Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông
Ngày 19/11, đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tham dự có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và cán bộ công chức, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.
NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT
Tại buổi làm việc, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng Hoàng Văn Bằng đã nêu lên các kết quả nổi bật năm 2024 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ trong năm 2025 của ngành Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngành Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác hàng năm, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành Thông tin và Truyền thông trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Một số kết quả nổi bật: Toàn tỉnh hiện có 14 Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đang được vận hành, khai thác, đồng thời, tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các cơ sở dữ liệu để triển khai kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở của tỉnh.
Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025 (Công trình trọng điểm của tỉnh) đã đạt được một số kết quả tích cực. Trung tâm IOC TP Đà Lạt được đưa vào vận hành từ năm 2019, đã cung cấp thông tin các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố, được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực, đảm bảo tính chân thật, chính xác, minh bạch. Đề án đã tích hợp toàn bộ các ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, Du lịch Đà Lạt, Quy hoạch phát triển đô thị; phục vụ công tác theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo đối với văn phòng điện tử, một cửa điện tử và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự đô thị, văn hóa, thông tin. Hệ thống đã kết nối 37 camera quan sát tầm cao, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng, trật tự đô thị,... Đặc biệt, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - Igov Connect năm 2019 đã phát huy được tính tích cực, hiệu quả; các ý kiến, phản ánh của người dân đều được các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý và phản hồi; góp phần gắn kết, gần gũi giữa người dân và chính quyền trong quá trình thực hiện Đề án.
Nền tảng số đã triển khai, duy trì hoạt động có hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) đã kết nối với 17/17 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng tỉnh Lâm Đồng (SOC) và nền tảng họp trực tuyến được duy trì, vận hành ổn định, kết nối 175 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh; trục liên thông văn bản,...
Dữ liệu số đã thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; dữ liệu hộ tịch, đất đai, người lao động, hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm, giáo dục, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động). Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chi trả an sinh xã hội đạt một số kết quả tích cực.
Hoạt động chuyển đổi số luôn được gắn kết chặt chẽ với triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật. Hình thành tổ công nghệ số cộng đồng và công tác đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số: 142/142 xã, phường, thị trấn đều có Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với 2.538 thành viên (đạt 100%), 1.367 tổ CNSCĐ của các thôn/tổ dân phố với 9.088 thành viên...
Hạ tầng viễn thông đang có những bước chuyển dịch quan trọng sang hạ tầng số, nâng cao chất lượng thu phát sóng thông tin di động, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng băng rộng di động (3G/4G/5G); mạng băng rộng cố định (cáp quang FTTH) phủ đến 100% trung tâm cấp xã. Toàn tỉnh hiện có 1.730 trạm thu phát sóng di động (BTS), trong đó trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai được 97 trạm 5G, với tốc độ tải xuống dịch vụ truy nhập Internet 5G trung bình tối thiểu 200 Mbit/s. Toàn tỉnh hiện có 1.556.993 thuê bao Internet, 1.884.054 thuê bao điện thoại…
Công tác tổ chức phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng được tăng cường; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng, qua đó giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn cho cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước, từ cấp tỉnh đến cấp xã.
CẦN TẠO ĐIỂM NHẤN TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo Lâm Đồng, Đài Phát Thanh và truyền hình Lâm Đồng, cùng 2 doanh nghiệp là VNPT Lâm Đồng và Viettel Lâm Đồng đã nêu lên trao đổi, khó khăn, vướng mắc về: hạ tầng số, định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực báo chí, an toàn an ninh mạng, công nghệ thông tin... đến Sở Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch UBND tỉnh để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lắng nghe ý kiến của đại diện các phòng chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà tỉnh giao.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các kết quả mà ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong thời gian qua trước sự quan tâm đầu tư của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của doanh nghiệp... Theo Chủ tịch UBND tỉnh, truyền thông - thông tin phải góp phần làm đẹp hình ảnh Lâm Đồng, hình ảnh TP Đà Lạt “đẹp để khách đến, đẹp để dân yên lòng”, để đạt được các kết quả tốt hơn, ngay lúc này, Sở cần phải có định hướng công tác thông tin - truyền thông, nhất là với chuyển đổi số phải có điểm nhấn, ấn tượng, được đánh giá cao, như về du lịch số, không gian số, bản đồ số di tích thắng cảnh, văn hóa...thể hiện đặc trưng, đặc thù cho Lâm Đồng, Đà Lạt.
Đồng chí cũng đề nghị sớm các giải pháp khắc phục, tránh điểm lõm về sóng, phải có tiêu chuẩn tiêu chí để chỉnh chu trong phục vụ người dân và du khách.
Với công tác quản lý báo chí, cần tăng cường công tác định hướng truyền thông, tích cực tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tấm gương tốt trong xã hội, tìm ra sự thống nhất ngôn ngữ giữa chính quyền với người dân; tập huấn cho báo chí truyền thông về kiến thức chuyên môn…
Đối với vấn đề an toàn an ninh mạng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò trách nhiệm, là đầu mối xuyên suốt với các sở, ngành phát hiện tin xấu mã độc, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân.
Cuối cùng đồng chí Trần Hồng Thái cũng đặt niềm tin đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông, phát huy vai trò cơ quan chuyên môn với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được giao; tận dụng nguồn lực tốt nhất có thể để xây dựng phương án khoa học tốt nhất có thể, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng.
* Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Trãi: “Nâng cao hiệu quả lưu trữ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường”
Việc lưu trữ, số hóa hồ sơ, tài liệu liên quan đến Tài nguyên và môi trường đã tạo thuận lợi cho việc tra cứu, sử dụng khi cần thiết; là nguồn tài liệu khẳng định quyền sử dụng đất, quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản hợp pháp, môi trường được đảm bảo khi thực hiện dự án và phục vụ tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, khoáng sản. Đây cũng là cơ sở giúp cơ quan có thẩm quyền giải quyết các công tác khác thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ của ngành Tài nguyên và Môi trường đã tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp trong đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, người lao động; đầu tư trang thiết bị, đảm bảo việc thu thập, lưu trữ thông tin an toàn.
Tuy nhiên cần sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông trong định mức kinh tế kỹ thuật để sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho việc xây dựng tài nguyên số.
*Đại tá Bùi Đức Thịnh- Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng: “Đảm bảo an toàn an ninh mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số”
Trong quá trình Chuyển đổi số thì pháp lý, hạ tầng, an ninh an toàn là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn hạn chế về nhận thức an ninh an toàn mạng trong thực hiện Đề án 06, các khó khăn nếu ko khắc phục thì không hoàn thành tốt được Đề án 06 của Chính phủ. Trong chuyển đổi số cần sớm xây dựng được điểm nhấn cụ thể, đồng thời phối hợp với ngành Công an đào tạo nguồn lực cho chuyển đổi số từ cấp cơ sở.
* Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Nguyễn Hà Lộc: “Tiềm năng chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp còn rất lớn”
Chuyển đổi số góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành nông nghiệp trong biến đổi khí hậu; đồng thời áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên phương pháp điều khiển từ xa, nông nghiệp công nghệ cao...
Sở Thông tin Truyền thông cần phối hợp hơn nữa hỗ trợ lĩnh vực chuyên môn, như tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, các ứng dụng phần mềm liên quan lĩnh vực nông nghiệp cho người nông dân, nhằm giúp nông dân dễ dàng tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, cần mở rộng hỗ trợ thêm các dịch vụ logistic, quy trình đóng gói vận chuyển hiệu quả tiện lợi…
* Giám đốc Trung tâm tích hợp dữ liệu và chuyển đổi số Nguyễn Vũ Linh Sang: “Sẵn sàng xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong thời gian tới”
Hiện nay quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức, thông tin xấu độc, mã độc vẫn còn xảy ra, để khắc phục cần sớm được trang bị bản quyền, tăng cường năng lực số, các ngành cùng phối hợp sẵn sàng để xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia trong thời gian tới…