Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh: Sẵn sàng ưu tiên nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin

Chiều 30/8, đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm trưởng đoàn làm việc tại Cao Bằng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD - ĐT) và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin (VHTT).

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh; một số sở, ngành, đơn vị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại buổi làm việc.

Những năm qua, sự nghiệp GD - ĐT và dạy nghề, sự nghiệp VHTT trên địa bàn tỉnh từng bước đổi mới và phát triển. Tỉnh tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho các hoạt động dạy và học theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo nâng cao chất lượng; ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo chương trình mới. Tập trung các nguồn vốn đầu tư nhằm xóa phòng học tạm; xây dựng bổ sung phòng học, phòng thực hành, phòng thư viện. Đầu tư xây dựng các điểm tham quan du lịch, bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc, tôn tạo các bảo vật quốc gia, xây dựng Bảo tàng tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục, văn hóa, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương nói chung và cho sự nghiệp GD - ĐT và dạy nghề, sự nghiệp VHTT nói riêng dựa trên cơ sở nguồn thu cân đối và số bổ sung từ ngân sách cấp trên, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm (2021 - 2025), kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm (2021 - 2023), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và cân đối với nguồn lực của địa phương.

Qua các nguồn chi đầu tư, hỗ trợ, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục được tăng cường, củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tôn tạo, nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh theo quy định, nhất là các đối tượng theo Nghị định 81, 161 của Chính phủ.

Thông tin tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, do là tỉnh nghèo miền núi, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ ba trên cả nước, có duy nhất loại hình giao thông đường bộ; số thu ngân sách hàng năm còn thấp, chủ yếu nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương; nhiều đợt thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tỉnh sẵn sàng ưu tiên nguồn lực ngân sách và ngoài ngân sách cho sự nghiệp GD - ĐT và dạy nghề, sự nghiệp VHTT. Giai đoạn 2021 - 2025, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, lĩnh vực GD - ĐT và dạy nghề được bố trí trên 1.188 tỷ đồng; lĩnh vực văn hóa thông tin bố trí trên 437 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, tỉnh chi trên 31 tỷ đồng ngân sách địa phương cho phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề, sự nghiệp văn hóa, thông tin. Trong đó, tổng chi cho GD - ĐT, dạy nghề chiếm 29,4% trên tổng chi ngân sách địa phương; tổng chi cho VHTT chiếm 1,96%. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tỉnh huy động được trên 18 tỷ đồng nguồn xã hội hóa cho phát triển giáo dục.

Tỉnh kiến nghị: Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành quan tâm hơn nữa đến các tỉnh miền núi, chưa tự cân đối được ngân sách Nhà nước như tỉnh Cao Bằng, phân bổ thêm kinh phí cho các tỉnh khó khăn về nguồn lực để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Đề xuất Chính phủ xem xét giảm tỷ lệ biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của tỉnh thấp hơn 10% (khoảng 5%) hoặc chỉ giảm 10% biên chế sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực GD - ĐT và dạy nghề, VHTT để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về: Nguyên tắc, tiêu chí đảm bảo phân bổ, bố trí nguồn lực cho sự nghiệp GD - ĐT và dạy nghề; đánh giá tỷ lệ chi đầu tư phát triển với chi thường xuyên; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, kiên cố hóa trường, lớp học; tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; chi bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh kết luận buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị: Tỉnh tiếp tục quan tâm, chủ động rà soát các chủ trương, định hướng của Đảng về thực hiện chính sách, pháp luật về chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp GD - ĐT và dạy nghề, sự nghiệp VHTT; quan tâm, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới trường học, mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao; các chương trình mục tiêu quốc gia về những nội dung liên quan đến GD - ĐT và dạy nghề, VHTT; căn cứ định mức tăng từ nguồn vốn do Trung ương bố trí cho tỉnh trong thời kỳ tới, phân bổ định mức phù hợp với nguồn lực của tỉnh; chủ động, quyết liệt trong việc đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho lĩnh vực GD - ĐT và dạy nghề, VHTT.

Đoàn tiếp thu, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của tỉnh và trình Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hỗ trợ 5 tấn gạo cho bà con vùng thiên tai, lũ lụt của huyện Trùng Khánh.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hỗ trợ 5 tấn gạo cho bà con vùng thiên tai, lũ lụt của huyện Trùng Khánh.

Nhân dịp này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hỗ trợ 5 tấn gạo, trị giá 100 triệu đồng cho bà con vùng thiên tai, lũ lụt của huyện Trùng Khánh; chia sẻ, động viên bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

An Lê

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chu-tich-ubnd-tinh-hoang-xuan-anh-san-sang-uu-tien-nguon-luc-cho-su-nghiep-giao-duc-dao-tao-va-day-n-3171711.html
Zalo