Chủ tịch Trung Quốc thăm 2 nước Trung Á, dự Hội nghị thượng đỉnh SCO

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30/6 thông báo Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan và Tajikistan từ ngày 2-6/7.

Lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng định trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 23, ngày 4/7/2023 do Ấn Độ chủ trì. (Nguồn: Indian Defense Review)

Lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng định trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 23, ngày 4/7/2023 do Ấn Độ chủ trì. (Nguồn: Indian Defense Review)

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 24 sẽ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 4/7.

SCO được cho là nền tảng để các quốc gia Á - Âu hướng đến một thế giới đa cực, trong đó có cơ hội để cân bằng lợi ích trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang gia tăng.

Năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 23 được tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 4/7. SCO 2023 không có sự tham dự trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo này chỉ tham dự qua hình thức trực tuyến.

Hội nghị thượng đỉnh SCO thường có chủ đề tập trung vào hợp tác an ninh và kinh tế, chống khủng bố và buôn bán ma túy, ứng phó với biến đổi khí hậu và tình hình ở Afganistan. Tuy nhiên, ý nghĩa chính trị của hội nghị thượng đỉnh SCO gần đây đã có sự chuyển hướng, tập trung vào các điểm nóng và các cuộc xung đột đang diễn ra.

SCO có ý nghĩa về mặt địa lý và kinh tế vì các quốc gia thành viên đóng góp khoảng 30% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 40% dân số thế giới.

Hiện SCO có các thành viên chính thức là Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan, Uzbekistan và Iran. Trong khi đó, Afghanistan, Belarus và Mông Cổ có tư cách quan sát viên của SCO. Tại thượng đỉnh SCO 2023, sáu quốc gia là: Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka tham dự với tư cách đối tác đối thoại.

Sự hình thành SCO xuất phát từ việc ký kết hiệp ước “Shangai Five” vào năm 1996 tại Thượng Hải, một thỏa thuận được thiết kế để giải quyết các tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng hậu Xô Viết: Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

(theo Reuter/THX)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-trung-quoc-tham-2-nuoc-trung-a-du-hoi-nghi-thuong-dinh-sco-276932.html
Zalo