Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn: Đây là thời điểm doanh nhân thể hiện bản lĩnh

Ông Vũ Mạnh Hùng nói 2024 là thời khắc khó quên khi đang phải chứng kiến những thách thức chưa từng có, nhưng cũng là lúc doanh nhân thể hiện sự năng động, bản lĩnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX, do TW Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 14/10, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, chia sẻ hơn 20 năm đầu tư vào chăn nuôi, ông nhận thấy nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất.

Bởi nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển đất nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.

Quyết "khổ trước sướng sau"

Theo ông Hùng, nông nghiệp của Việt Nam về cơ bản vẫn còn là quảng canh, quản trị tiểu nông, nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp hơn nữa. Trong khi đó, các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chưa phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng: Đây là thời điểm các doanh nhân thể hiện bản lĩnh, quyết đoán để chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình mới. (Ảnh: HN)

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng: Đây là thời điểm các doanh nhân thể hiện bản lĩnh, quyết đoán để chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình mới. (Ảnh: HN)

Chủ tịch Hùng Nhơn nói năm 2024 có thể nói là thời khắc khó quên khi phải chứng kiến những thách thức chưa từng có. Thời tiết bất thường, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, suy thoái kinh tế…, đều tác động rất tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nhân thể hiện sự năng động, bản lĩnh, quyết đoán để chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình mới.

Ông Vũ Mạnh Hùng lấy dẫn chứng từ Tập đoàn Hùng Nhơn. Trước đó, tập đoàn đã thất bại với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, và quyết định bắt tay với đối tác lớn nước ngoài, là De Heus - tập đoàn nông nghiệp Top 10 của thế giới của Hà Lan và Belga (Bỉ).

Từ sự hợp tác này, Hùng Nhơn đã nhanh chóng khẳng định vị thế của một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu. Các trang trại chăn nuôi được đầu tư áp dụng công nghệ cao đồng bộ, đạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế Global GAP với 349 tiêu chí.

Ông Hùng nói chúng tôi quyết tâm "khổ trước sướng sau", cứ đầu tư rồi sẽ có ngày thành công. Nếu không đưa ra được quyết định táo bạo thì sẽ mãi không lớn. Nhờ suy nghĩ đó, Hùng Nhơn đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào chuỗi xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản.

"Điều khiến tôi hạnh phúc nhất, đó là mô hình liên doanh giữa Hùng Nhơn và De Heus không chỉ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam đón nhận 'luồng gió mới' trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng bền vững, sản xuất gắn với tiêu thụ; xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, mà còn là điểm nhấn cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan", ông Hùng nói.

Mạnh dạn làm nông nghiệp công nghệ cao

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết doanh nghiệp đang tiến bước dài trong xu hướng chuyển đổi xanh: xây dựng mô hình "từ trang trại đến bàn ăn". (Ảnh: HN)

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết doanh nghiệp đang tiến bước dài trong xu hướng chuyển đổi xanh: xây dựng mô hình "từ trang trại đến bàn ăn". (Ảnh: HN)

Thành công điển hình nhất từ cái "bắt tay" giữa De Heus và Hùng Nhơn chính là các dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk, Gia Lai đã và đang đi vào hoạt động. Đặc biệt, DHN đã thống nhất đầu tư 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Hiện giai đoạn 1 với dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 200 tỷ đồng đã đi vào hoạt động từ quý II/2024. Giai đoạn 2 (2025-2030), DHN sẽ đầu tư cùng lúc 6 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.

DHN đang khảo sát để tiếp tục thực hiện thêm 4 dự án giai đoạn 2030-2035, gồm nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Halal. Tổng doanh thu của các dự án này ước đạt trên 2 tỷ USD/năm.

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn còn cho biết doanh nghiệp đang tiến thêm bước dài trong xu hướng chuyển đổi xanh. Đó là mô hình "từ trang trại đến bàn ăn" - có thể xem là giải pháp làm thay đổi tất cả các mô hình sản xuất manh múm, đứt gãy trong chuỗi giá trị và rời rạc lâu nay trên thị trường sản phẩm nông nghiệp.

Xu hướng này đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực chăn nuôi, bởi đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm.

Quang Huy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chu-tich-tap-doan-hung-nhon-day-la-thoi-diem-doanh-nhan-the-hien-ban-linh-ar901780.html
Zalo