Chủ tịch Reuters: Truyền thông phải chống lại việc lạm dụng của AI để tồn tại

Chủ tịch Steve Hasker của hãng tin Thomson Reuters cho biết, các nhà sản xuất tin tức có thể phá sản nếu họ cho phép các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) sử dụng AI để truy cập miễn phí vào nội dung của họ, giống như việc họ đã cho phép Google và Facebook làm như vậy trong nhiều năm trước đây.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Quỹ Thomson Reuters, ông Hasker cho biết các nhà xuất bản tin tức đã mắc sai lầm trong quá khứ khi cung cấp nội dung tin tức miễn phí cho các gã khổng lồ truyền thông xã hội, nghĩ rằng điều đó sẽ "thu hút sự chú ý" vào trang web của họ.

“Vâng, mọi chuyện đã không diễn ra theo cách đó. Điều thực sự xảy ra là các công ty công nghệ đã cực kỳ giỏi trong việc không trả tiền cho nội dung và giữ được sự chú ý”, Hasker phát biểu tại hội nghị. Ông nhấn mạnh rằng điều này gần như đã phá hủy ngành công nghiệp tin tức.

“Vì vậy, tôi sẽ là một người lạc quan ngây thơ và nói rằng ở một thời điểm nào đó, chúng ta, với tư cách là ngành công nghiệp tin tức, đã học được một bài học”.

 Ảnh minh họa: GI

Ảnh minh họa: GI

Hasker, đồng thời là CEO của Thomson Reuters, cho biết khi AI được triển khai, vẫn phải chờ xem liệu ngành công nghiệp tin tức có đủ khả năng bảo vệ lợi ích của mình trước các công ty truyền thông xã hội giàu có hay không.

Còn nếu không, và nếu chúng ta vẫn ngây thơ tin rằng "các nhà cung cấp mô hình sẽ làm điều đúng đắn với nội dung của chúng ta và cuối cùng chúng ta sẽ được hưởng lợi từ điều đó, tôi nghĩ đó sẽ là sự sụp đổ của ngành công nghiệp này".

Ông lưu ý rằng tờ New York Times đã kiện OpenAI và Microsoft vì vi phạm bản quyền khi sử dụng nội dung của tờ báo để đào tạo AI tạo sinh. Ông cho biết Reuters đã thực hiện một số thỏa thuận thương mại để cấp phép nội dung cho các mô hình ngôn ngữ lớn được sử dụng cho AI.

Ông Hasker cũng kêu gọi dán nhãn rõ ràng nội dung tin tức để cho thấy liệu đó có phải là sự thật đã được kiểm chứng hay là ý kiến, nguồn gốc của ý kiến đó, cũng như liệu nó có được tạo ra bởi AI hay bởi một nhà báo hay không.

Hasker cho biết người tiêu dùng thích nghe những điều củng cố niềm tin hiện tại của họ cũng như thành kiến và định kiến của họ. Vấn đề thông tin sai lệch và tin giả sẽ tiếp tục tồn tại trừ khi tài liệu được dán nhãn để cho biết nguồn gốc của nó.

Nhưng một thành viên khác của hội đồng, nhà báo và người đoạt giải Nobel Hòa bình Maria Ressa, lại phản đối việc dán nhãn là giải pháp.

“Ngay cả khi bạn dán nhãn mọi thứ, nếu nó nằm trong thiết kế của nền tảng công nghệ nhằm thao túng chúng ta... và khai thác nỗi sợ hãi, sự tức giận và lòng căm thù của chúng ta để phân cực chúng ta vì điều đó kiếm được nhiều tiền hơn, thì bất cứ điều gì các nhà báo làm cũng sẽ thực sự trở nên vô ích”.

Hoàng Hải (theo The Baron)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-reuters-truyen-thong-phai-chong-lai-viec-lam-dung-cua-ai-de-ton-tai-post318788.html
Zalo