Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Sáng 13/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo chuyên đề 'Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia'.
Sáng 13/1, tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo chuyên đề “Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
*Nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nội dung quan trọng mang tính định hướng phát triển đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững…
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có 4 luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ; ngoài ra có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan. Về hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã ban hành 8 luật liên quan đến nội dung này. Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, trong đó có những luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này thể hiện rõ trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Dữ liệu năm 2024.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có những hạn chế cơ bản. Đó là thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng. Cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội. Cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ chưa kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian...
*Đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp; qua rà soát cho thấy, với hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách có thể coi là rất mới như: phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh; xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam; xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo nghiên cứu tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo… Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ngày 10/1/2025, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch hành động số 3260 để thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phân công trách nhiệm rõ ràng, tiến độ cụ thể và tổ chức triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đánh giá hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời.