Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, phát biểu khai mạc Diễn đàn nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững
Sáng 21.1, tại TP. Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự, phát biểu khai mạc Diễn đàn nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là sự kiện do Quốc hội Việt Nam đề xuất và tổ chức nhân dịp đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà – Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Chủ tịch Phân ban Việt Nam tại APF; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình cùng đại diện các ban, bộ, ngành liên quan và thành phố Cần Thơ.
Về phía APF và các tổ chức quốc tế có: Chủ tịch APF, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroon Hilarion Etong; Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Caroline St-Hilaire; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, đại diện Lãnh đạo Nghị viện các nước thành viên APF; các nghị sĩ, các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế...
Khẳng định sự chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, thay mặt Quốc hội và Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng lãnh đạo các nghị viện thành viên APF, các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát viên, và các vị khách mời đã nhận lời mời và tham dự Diễn đàn do Quốc hội Việt Nam tổ chức nhân dịp đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF tại TP. Cần Thơ - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp nối những thành công của các hoạt động đa phương liên nghị viện cấp cao do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức gần đây, như Đại hội đồng Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (năm 2020), Hội nghị lần thứ 10 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong APF (năm 2022), Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 của IPU (năm 2023), việc tổ chức Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ và Hội nghị Ban Chấp hành APF lần này một lần nữa khẳng định sự chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm và tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu; sự đoàn kết, đồng hành vì sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ và các quốc gia thành viên.
Chia sẻ các thành tựu của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo bền vững cũng như trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Việt Nam vừa bước qua năm 2024 với rất nhiều thành quả ấn tượng: tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 476 tỷ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục 786 tỷ USD, trong đó có 62 tỷ USD từ nông nghiệp; đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 38,2 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25,4 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định.
Đặc biệt, “nông nghiệp là một trong những thành quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid – 19, nông nghiệp đã là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhờ đầu tư vững chắc cho nông nghiệp, Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực mà còn cung cấp lương thực, nông sản cho thế giới. Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục, trong đó xuất khẩu gạo hơn 9 triệu tấn, đạt giá trị khoảng 5,7 tỷ USD”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Hướng đến mốc 100 năm lập nước, Việt Nam đặt mục tiêu bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với mong muốn về một kỷ nguyên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
“Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đang tập trung quyết tâm chính trị cao, tiến hành nhiều giải pháp cải cách mạnh mẽ và đột phá chiến lược, khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng phát triển của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững
Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ là một trong những hoạt động của Nghị viện Pháp ngữ sau Hội nghị Thượng đỉnh Paris. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam mong muốn thông qua hoạt động này góp phần thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ. Theo đó khuyến khích, ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công - tư; quảng bá tiếng Pháp, thúc đẩy đa dạng văn hóa; và nhấn mạnh quyết tâm của các nước Pháp ngữ trong việc thực hiện phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường.
“Chính trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn hôm nay nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế cho mỗi hộ gia đình và an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu”.
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, với chức năng và vai trò từ vị thế của cơ quan lập pháp, các nghị viện cũng như cá nhân các nghị sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy và giám sát thực hiện các mục tiêu này.
Diễn đàn hôm nay là dịp để các đại biểu tham dự thảo luận về các ý tưởng và hành động của các nghị viện thành viên Pháp ngữ nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đồng thời phải ứng phó với biến đổi khí hậu; các nghị sĩ chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay trong xây dựng chính sách, pháp luật để phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
“Với việc mời đại diện các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển tham dự, chúng tôi mong Diễn đàn cũng là cơ hội để chúng ta trao đổi về sáng kiến thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có OIF, các đối tác phát triển, các thể chế tài chính và khu vực tư nhân hướng tới các mục tiêu mà chủ đề của Diễn đàn đặt ra”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hướng đi thành công nhất để đạt được các mục tiêu này là mô hình hợp tác có sự tham gia của nhiều bên, trong đó điển hình nhất là hợp tác ba bên: một bên là các nước có nhu cầu tiếp nhận hỗ trợ, một bên là những nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để chia sẻ, và một bên là những nước và đối tác phát triển có nguồn lực để tài trợ thực hiện việc chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm.
Diễn đàn với 3 phiên thảo luận chuyên đề về: “Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững”; “Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực”; “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong ngày mai (22.1), các đại biểu sẽ tham quan thực địa một số mô hình điển hình của Đồng bằng sông Cửu Long về mô hình nông nghiệp bền vững và chuyển đổi sinh kế, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đi đôi với ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, qua các hoạt động ý nghĩa này, các đại biểu, nhất là các nghị sĩ sẽ có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình.
“Một điểm nhấn của Diễn đàn là dự kiến thông qua Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là kết quả quan trọng để khẳng định vai trò quan trọng của các nghị viện Pháp ngữ, đóng góp của các nghị sĩ Pháp ngữ trong việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy hợp tác khu vực, liên khu vực và nhiều bên, góp phần biến cam kết thành hành động cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Diễn đàn là điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch APF Hilarion Etong trân trọng cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Diễn đàn nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào các vấn đề quan trọng ngay trước thềm Hội nghị Ban Chấp hành APF.
“Sáng kiến này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác pháp ngữ về các vấn đề quan trọng liên quan tới phát triển bền vững, bao gồm đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Chủ tịch APF nhấn mạnh.
Chủ tịch APF cũng cho rằng, chủ đề của Diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những thách thức toàn cầu hiện nay và chúng ta cần phải phối hợp hành động hơn bao giờ hết.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghị viện trong việc phát triển và củng cố hợp tác pháp ngữ, Chủ tịch APF cũng cho rằng, Diễn đàn lần này là điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong hợp tác và cam kết cộng đồng Pháp ngữ.
“Cùng nhau, chúng ta có thể ứng phó với các thách thức về nông nghiệp bền vững về an ninh lương thực, đặc biệt là các thách thức về biến đổi khí hậu. Cùng nhau, chúng ta có thể và phải tạo ra sự khác biệt”, Chủ tịch APF nói.
Việt Nam đã khẳng định được vị thế vô cùng đặc biệt bằng một hành trình mẫu mực
Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Caroline St-Hilaire trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Quốc hội Việt Nam về sự cam kết và lãnh đạo tổ chức Diễn đàn; nhấn mạnh đây là minh chứng vô cùng sống động cho tinh thần hợp tác và tình hữu nghị kết nối các quốc gia trong không gian pháp ngữ.
Theo Tổng Giám đốc OIF, nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu là những thách thức toàn cầu, những vấn đề thời sự vô cùng nóng bỏng. Đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của Cộng đồng Pháp ngữ và các quốc gia thành viên của Cộng đồng trên cả 5 châu.
“Việt Nam đã khẳng định được vị thế vô cùng đặc biệt bằng một hành trình mẫu mực. Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam nhằm xây dựng một hệ thống lương thực minh bạch có trách nhiệm và bền vững đến năm 2030 là một nguồn cảm hứng to lớn cho tất cả chúng ta. Tầm nhìn này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hiện đại hóa nông nghiệp và đồng thời đi đôi với việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”.
Nhấn mạnh như vậy, Tổng Giám đốc OIF mong muốn củng cố các mối quan hệ đối tác đã có và tạo ra những ảnh hưởng bền vững hơn về an ninh lương thực trong không gian Pháp ngữ.
“Nhờ vào nỗ lực chung, chúng ta có thể biến những khát vọng của mình thành hiện thực và xây dựng tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau”, Tổng Giám đốc OIF nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi nghị viện các nước thành viên APF tận dụng những công cụ đã triển khai để đưa ra được những giải pháp thiết thực hơn nữa; tin tưởng, các cuộc trao đổi tại Diễn đàn này sẽ mở ra những triển vọng mới và củng cố thêm tinh thần đoàn kết trong Cộng đồng Pháp ngữ.