Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Chính phủ, Quốc hội đã hết sức nỗ lực, làm việc ngày đêm
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục khẩn trương trên tinh thần 'vừa chạy, vừa xếp hàng', có thể tăng cường làm việc ban đêm, thứ bảy, chủ nhật để bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội.
Sáng 6-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ với Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội về kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Phải chân thành, trách nhiệm cao hơn nữa
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết hội nghị được tổ chức nhằm rà soát các công việc chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự kiến khai mạc ngày 12-2 tới. Việc này nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung trình Quốc hội, qua đó, tạo sự đồng thuận cao nhất trong quyết định các nội dung, chương trình kỳ họp và công tác nhân sự.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: NGHĨA ĐỨC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51411195/82df2f01174ffe11a75e.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh Trung ương và địa phương đang tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã hết sức nỗ lực, làm việc ngày đêm với tinh thần, trách nhiệm rất cao, phối hợp chặt chẽ trong chuẩn bị các nội dung.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội, phải tạo sự thống nhất để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
“Hai bên đã phối hợp rất tốt thì nay phải tốt hơn nữa; đã chân thành, trách nhiệm cao rồi, nay phải chân thành, trách nhiệm cao hơn nữa vì sự phát triển của đất nước”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
"Vướng đâu thì sửa đấy"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc tổ chức kỳ họp bất thường thể hiện rõ tinh thần khi có vấn đề thực tiễn phát sinh phải giải quyết và giải quyết đến cùng, có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Trong đó, về sửa đổi các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, Thủ tướng nêu rõ tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn, đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng lần này quyết liệt hơn, đúng với tinh thần là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Do đó, theo Thủ tướng, có những vấn đề về luật pháp cần phải sửa đổi, quán triệt tinh thần của Trung ương là “vướng đâu thì sửa đấy”.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NGHĨA ĐỨC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51411195/1a4fba9182df6b8132ce.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Về vấn đề kinh tế - xã hội, kết quả rà soát thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho thấy khó khăn nhất là tăng trưởng. Đây là chỉ tiêu cơ bản nhất trong đánh giá sự phát triển của một đất nước, phản ánh quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động...
Thủ tướng nhấn mạnh việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của 5 năm 2021-2026, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030... Do đó, phải ưu tiên tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục quán triệt nguyên tắc xây dựng pháp luật với tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa, “cấp nào hiểu rõ nhất thì cấp đó quản”. Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực để nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Cạnh đó, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng mong muốn các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, “đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa” với tinh thần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ từ nay đến khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 chỉ còn 5 ngày, thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng công việc rất lớn.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục khẩn trương trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, có thể tăng cường làm việc ban đêm, thứ bảy, chủ nhật để bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội.
Đề cập một số nội dung cụ thể trong các dự thảo luật về tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Nội vụ, các bộ liên quan và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hiến pháp để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm chất lượng cao nhất các dự thảo luật, nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và sự vận hành thông suốt, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp.
Quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị. Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết đến sáng 5-2, Chính phủ đã hoàn thiện 8/10 hồ sơ, tài liệu gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; còn 2/10 hồ sơ đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 10-2.
Để thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các Kết luận số 121-KL/TW, số 123-KL/TW của Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và các báo cáo bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy Chính phủ đề nghị Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua một số nội dung quan trọng, cấp bách.
Trong đó, 6 tờ trình dự án luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, gồm: Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), tờ trình Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tờ trình Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Ngoài ra, còn các nội dung: Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; tờ trình Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đảng ủy Chính phủ cũng đề nghị Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung một số nội dung quan trọng, cấp bách vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9 để trình Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn, như: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...