Chủ tịch Quốc hội: 'Sửa Hiến pháp, kết thúc cấp huyện sẽ lấy ý kiến nhân dân'
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Hiến pháp 2013 để thực hiện tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Vấn đề này sẽ được lấy ý kiến nhân dân.
“Từ tháng 11, 12/2024 đã sắp xếp bộ máy Đảng, Chính phủ, bộ ngành, Quốc hội, tạm gọi là giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sáp nhập tỉnh, cấp xã. Công khai cũng là phương pháp lấy ý kiến nhân dân về vấn đề này. Tới đây kết thúc cấp huyện, sửa Hiến pháp cũng lấy ý kiến nhân dân. Sáng nay, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18 bàn giải pháp thực hiện từ đây tới đó”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết khi thảo luận về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2025 và báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, sáng 14/4.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Đề cập Báo cáo công tác giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp 8 lần này, ông Trần Thanh Mẫn cho biết nhiều vấn đề liên quan người dân, một số kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bộ ngành nghiêm túc tiếp thu.
“Văn bản trả lời tốt hơn, cử tri thấy hài lòng, không lòng vòng, chung chung, hình thức. Nhiều khiếu nại đã được bộ ngành tập trung giải quyết trong thời gian giữa 2 kỳ họp. Một số bộ ngành giải quyết được nhiều kiến nghị của cử tri. Tới đây đề nghị phát huy, không ngừng đổi mới cơ chế phối hợp bộ, ngành, địa phương để lấy sự hài lòng của cử tri, nhân dân làm thước đo”, theo Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Ngày 17/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì làm việc với Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan liên quan về việc giải quyết dứt điểm các vụ việc khiến kiện phức tạp, kéo dài, vượt cấp thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhân hết sức hoan nghênh, ủng hộ khi người đứng đầu Đảng rất quan tâm tới giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân.
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, báo cáo lần này bổ sung nguyên nhân hạn chế, giải pháp khắc phục cho rõ hơn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý một số chính sách ưu đãi của Nhà nước được ban hành nhưng chưa triển khai do bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
Dẫn Kỳ họp 8 thông qua 18 luật, nhiều nghị quyết quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ soát xét xem hướng dẫn của Chính phủ, bộ ngành đến địa phương cũng như văn bản của địa phương hướng dẫn thế nào. Có khi Trung ương hướng dẫn rồi nhưng HĐND, UBND chưa có hướng dẫn, triển khai chậm.
“Ngay Kỳ họp bất thường thứ 9 sửa nhiều luật, 6 nghị quyết liên quan kinh tế - xã hội, đề nghị Chính phủ rà soát lại việc ban hành hướng dẫn. Khi trình ban hành thì rất gấp, ban hành xong Chính phủ tổ chức triển khai nhưng đến giờ này nhiều địa phương vẫn chờ hướng dẫn”, ông Trần Thanh Mẫn nói, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, nhất là liên quan kiến nghị cử tri ở địa phương, cần phải bãi bỏ nếu không còn phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh báo cáo giám sát lần này cần tăng cường kiến nghị mạnh mẽ, giám sát các giải quyết kiến nghị khi đọc lên cử tri có niềm tin Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể. Báo cáo ngắn gọn, trọng tâm, trọng điểm, đi vào vấn đề cụ thể người dân quan tâm.

Phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cho thấy, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.033 kiến nghị của cử tri.
Trong đó, có 38 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 1,9%); 1.947 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 95,7%); 12 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 0,6%); 36 kiến nghị liên quan đến các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương (chiếm 1,8%). Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Nội dung kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: giáo dục, đào tạo (240 kiến nghị), lao động, việc làm, chính sách xã hội (205 kiến nghị); y tế (221 kiến nghị); giao thông, vận tải (131 kiến nghị); nông nghiệp, nông thôn (128 kiến nghị); tài nguyên và môi trường (118 kiến nghị)…
Có 1.953/2.033 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 96,1%.